Không có "làn sóng" tăng lãi suất

Tài chính - Ngày đăng : 07:07, 22/05/2017

(HNM) - Gần đây, một số ngân hàng thương mại tìm cách đẩy lãi suất huy động VND lên cao dưới nhiều hình thức như tặng quà, rút thăm trúng thưởng... Tuy nhiên, đây không phải là

Nhiều ngân hàng áp dụng tặng quà, rút thăm trúng thưởng nhằm thu hút thêm nguồn tiền gửi tiết kiệm. Ảnh: Thái Hiền


Tặng quà, tặng lãi suất cho khách gửi tiền

Nếu vài tuần trước nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài, cùng mức tiền gửi lớn thì gần đây, biểu lãi suất thay đổi với các kỳ hạn dưới 6 tháng. Tuy lãi suất chưa được đẩy lên mức trần cho phép của Ngân hàng Nhà nước, nhưng với những hình thức ưu đãi đi kèm, như tặng quà, bốc thăm trúng thưởng hay tặng lãi suất cuối kỳ... có vẻ như các ngân hàng đang kích thích phát triển nguồn vốn.

Chẳng hạn, tại PVcomBank có chương trình ưu đãi lãi suất tiết kiệm, với các khoản tiền gửi từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, khách hàng được hưởng mức lãi suất tăng thêm 0,1%/năm so với mức lãi suất niêm yết. Còn nếu gửi từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, lãi suất được cộng thêm 0,2%/năm, từ 500 triệu đồng trở lên, lãi suất được cộng là 0,3%/năm... Lãi suất tặng thêm áp dụng cho những khách hàng mở mới sổ tiết kiệm có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên và không áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng.

Tại một số ngân hàng khác, mức lãi suất khá cao cũng được áp dụng cho các kỳ hạn ngắn, còn với kỳ hạn dài, lãi suất chạm tới ngưỡng 8%/năm.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm ngắn hạn, 9,3-11%/năm trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn có thể "rơi" xuống 4-5%/năm.

Tuy nhiên trên thực tế, lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh thông thường đối với kỳ hạn dài không thấp, có thể lên tới 12%/năm, nếu lấy mức lãi suất huy động cao nhất là 8%/năm cộng với biên độ 3,5-4%/năm. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, mặt bằng chung lãi suất ngân hàng cho vay cao hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực, khiến chi phí sản xuất, kinh doanh tăng, làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm Việt.

Giữ ổn định lãi suất, kiểm soát lạm phát

Nhiều chuyên gia tài chính lý giải, việc một số ngân hàng đẩy lãi suất huy động lên là để thu hút nguồn tiền gửi tiết kiệm, chuẩn bị cho nhu cầu vay vốn vào dịp cuối năm. Còn thời điểm hiện nay, các ngân hàng vẫn khá dư dả nguồn vốn. Điều này thể hiện ở lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng chỉ tăng nhẹ ở các kỳ hạn chủ chốt dưới 1 tháng, như: 4,52%/năm cho kỳ hạn qua đêm, 4,73%/năm kỳ hạn 1 tuần, 5,06%/năm kỳ hạn 1 tháng. Doanh số giao dịch trên thị trường này không có nhiều biến động. Sẽ không có một "cơn sốt" lãi suất nhưng để có thể duy trì mức thấp ổn định từ nay đến cuối năm không đơn giản.

Về điều hành lãi suất, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khẳng định, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay diễn biến ổn định từ năm 2016 đến nay. Đặc biệt từ cuối tháng 9-2016, một số tổ chức tín dụng đã giảm 0,3-0,5%/năm lãi suất huy động, giảm 0,5-1%/năm lãi suất cho vay đối với sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; phù hợp với mục tiêu điều hành, diễn biến tiền tệ và lạm phát, đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích của người gửi tiền, tổ chức tín dụng và khách hàng vay.

"Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành lãi suất ổn định, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Ngân hàng Nhà nước sẽ đặc biệt quan tâm đến lãi suất ưu đãi đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp, doanh nghiệp đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ cao, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có sản phẩm cạnh tranh được trên thị trường quốc tế" - ông Lê Minh Hưng khẳng định.

Hà Linh