Sâu rễ, bền gốc!

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:12, 23/05/2017

(HNM) - Tình trạng nợ, trốn đóng bảo hiểm tại các doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động không phải là chuyện mới. Tuy nhiên, hiện trạng này ngày càng diễn biến phức tạp.

Số liệu mới nhất từ các cơ quan chức năng cho thấy, cả nước có khoảng 500 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng mới có 235 nghìn đơn vị đóng bảo hiểm xã hội, đạt khoảng 47%. Tình trạng nợ bảo hiểm diễn ra ở tất cả loại hình doanh nghiệp, nhưng chủ yếu tập trung vào khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Và trong câu chuyện này đọng lại hai vấn đề.

Thứ nhất, tình trạng trốn đóng, lách luật bảo hiểm diễn ra rất phổ biến. Đó là việc nhiều doanh nghiệp đóng bảo hiểm (gồm cả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp) cho người lao động với mức tiền công, tiền lương thấp hơn thực tế. Nhiều đơn vị trích tiền lương, công của người lao động nhưng lại không đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội mà dùng tiền đó vào việc khác, như mua nguyên vật liệu, vật tư, hay dùng chính ngân quỹ này để trả lương cho người lao động. Hoặc vi phạm nghiêm trọng nhất là chỉ ký hợp đồng lao động ngắn hạn, trong khi thực tế người lao động làm việc dài hạn ở đơn vị đó…

Thứ hai, vấn đề khởi kiện doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội còn những khúc mắc. Đó là có sự “vênh” nhau giữa một số văn bản như: Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành. Trong khi đó, việc khởi kiện đang hết sức phức tạp do sự chồng chéo và khoảng trống về pháp luật thực hiện bảo hiểm xã hội. Hầu như không có chuyện Công đoàn cơ sở đứng ra khởi kiện “ông chủ” của mình bởi trước khi làm được điều đó, có khi người đại diện của họ, tức chủ tịch công đoàn cơ sở (cũng là người làm thuê) đã bị chủ doanh nghiệp sa thải…

Rõ ràng, từ hai vấn đề trên có thể thấy việc cần làm ngay trong thời điểm này là sớm lấp “lỗ hổng” về mặt pháp lý từ chính các văn bản pháp quy. Tiếp đến là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, công đoàn cấp tỉnh, thành phố cần lập nhóm tư vấn hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi của người lao động, không để họ “cô đơn” khi có tranh chấp với chủ sử dụng lao động. Đặc biệt, với những vụ trốn đóng, lách luật bảo hiểm điển hình cần phối hợp liên ngành để xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm.

Trong bối cảnh nền kinh tế nước nhà còn nhiều khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp đang đứng trước nhiều thử thách. Thực tế, đóng góp liên quan đến quỹ lương do mức lương cơ bản luôn điều chỉnh tăng qua các năm, kéo theo mức đóng quỹ bảo hiểm cũng tăng theo khiến nhiều doanh nghiệp gặp trở ngại trong sản xuất kinh doanh. Trong tình hình ấy, việc Chính phủ ban hành Nghị định 44/2017/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6-2017, về việc giảm 0,5% (hiện là 1%) tỷ lệ đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ tai nạn bệnh nghề nghiệp của người sử dụng lao động, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ổn định và tạo thêm việc làm cũng cần được “giới chủ” ghi nhận.

Ngoài ra, để “sâu rễ, bền gốc” thì việc tuyên truyền tới các chủ sử dụng lao động hiểu rằng, việc bảo vệ quyền lợi người lao động thông qua chăm lo quyền lợi nói chung và chế độ bảo hiểm nói riêng cũng chính là để doanh nghiệp phát triển bền vững. Chỉ khi người lao động yên tâm làm ăn thì họ mới toàn tâm, toàn ý cho công việc. Ngược lại, nếu chủ doanh nghiệp “ăn xổi” thì việc người lao động “đứng núi này trông núi nọ”, làm việc bê trễ… rất dễ xảy ra và thiệt hại thuộc về cả hai phía.

Chỉ khi cả hai phía người lao động - người sử dụng lao động nhìn nhận vấn đề trên ở góc độ “cộng sinh” hơn thì câu chuyện nợ, trốn đóng bảo hiểm mới bớt “nóng”.

Thế Đan