Tăng tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch: Thách thức không nhỏ

Xã hội - Ngày đăng : 07:21, 24/05/2017

(HNM) - Bằng sự nỗ lực, nhiều địa phương đã đẩy nhanh tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch. Tuy nhiên, tỷ lệ này chưa cao trong khi công tác quản lý, vận hành công trình nước sạch tập trung còn thiếu bền vững, đang đặt ra những thách thức không nhỏ trong bối cảnh hiện nay.

Nhờ có nguồn vốn đầu tư, nhiều hộ dân xã Yên Sơn (tỉnh Ninh Bình) đã được sử dụng nước sạch. Ảnh: Hà Phương


49% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch

Kết quả tổng hợp từ các địa phương cho thấy, đến nay, tỷ lệ dân số nông thôn của cả nước được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 85,7%, trong đó, 49% được sử dụng nước sạch theo QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế. Đáng chú ý, tại các địa phương như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... 100% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Tại vùng Đồng bằng sông Hồng, tỷ lệ dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh cũng khá cao, khoảng 90%. Tại TP Hà Nội, 100% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 41% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch, thấp hơn 8% so với bình quân chung của cả nước...

Dù thực hiện khá hiệu quả chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, nhưng chỉ 43,5% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung, số còn lại từ công trình cấp nước nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình do người dân tự trang bị. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch chưa cao là do các công trình cấp nước tập trung hoạt động chưa hiệu quả. Trong số 16.342 công trình cấp nước tập trung hiện nay, chỉ có 33,5% công trình hoạt động bền vững; tỷ lệ hoạt động ở mức trung bình là 37,8%; kém hiệu quả là 16,7% và 12% công trình ngừng hoạt động. Tại Hà Nội, trong số 119 công trình cấp nước tập trung ở nông thôn đã được đầu tư, hiện có 86 công trình vận hành, khai thác ổn định, 23 công trình do xây dựng dở dang và bị bỏ hoang nhiều năm hoặc đã xuống cấp, hư hỏng.

Tháo gỡ khó khăn

Giám đốc Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (Bộ NN&PTNT) Lương Văn Anh cho biết: Cả nước phấn đấu đến năm 2020 có 95% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh và 55% dân số được sử dụng nước sạch. Bài toán đặt ra ở đây là cần thiết phải có những can thiệp hiệu quả để thúc đẩy tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch. Một trong những giải pháp hiệu quả là tăng cường nguồn vốn đầu tư cho các công trình nước sạch. Theo đó, đẩy mạnh xã hội hóa thu hút nguồn lực đầu tư cho công trình nước sạch tập trung ở nông thôn như phát huy nội lực của nhân dân trong việc đầu tư cho lĩnh vực nước sạch. Thông qua các chương trình, dự án, các ngân hàng thương mại nên tạo điều kiện để doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận vay vốn ưu đãi nhằm tạo ra mô hình thu hút sự đầu tư của người dân...

Cùng với tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với việc sử dụng nước sạch, công tác quản lý, vận hành công trình cấp nước sạch ở nông thôn sau đầu tư cần được chú trọng. Hiện cả nước có nhiều mô hình quản lý như: Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thuộc Sở NN&PTNT quản lý chiếm 9,8%; doanh nghiệp quản lý chiếm 5,3%; cộng đồng quản lý chiếm 40%; UBND xã quản lý chiếm 30,3%. Mỗi mô hình có những ưu, nhược điểm khác nhau, tuy nhiên, mô hình do UBND xã và cộng đồng quản lý đã bộc lộ những hạn chế cần có sự chuyển đổi cho phù hợp. Mặt khác, cần tập trung hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý, cơ chế chính sách đối với các dự án nước sạch nông thôn…

Tháo gỡ khó khăn trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết, thời gian tới Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với bộ, ngành liên quan tham mưu Thủ tướng Chính phủ đề nghị sửa đổi một số chính sách tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2020; tiếp tục rà soát, cập nhật, bổ sung Chiến lược cấp nước nông thôn giai đoạn 2016-2020. Về phía các tỉnh, thành phố nên tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân tham gia cung ứng dịch vụ nước sạch ở khu vực nông thôn để đẩy nhanh tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch...

Nguyễn Mai