Trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi: "Xử một người nhưng cứu muôn người"

Đời sống - Ngày đăng : 17:19, 24/05/2017

(HNMO) - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đưa ra quan điểm: Người tuổi từ đủ 14 đến 16 phạm tội là cá biệt nhưng lại gây bất an cho số đông, luôn tạo cho mọi người cảm giác lo âu, sợ hãi, vì thế luật phải bảo vệ cho số đông.

Trước khi thảo luận, trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, do còn có ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến Quốc hội về 2 phương án:

Phương án 1: Giữ như quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, theo đó đối với 3 tội nêu trên thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng.

Phương án 2: Giữ như dự thảo Luật do Chính phủ trình, theo đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng đối với 3 tội danh nêu trên.

Xử lý đối với người chưa thành niên không nên bằng thái độ quá nóng

Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình).


Đồng tình với phương án 2, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng việc sửa đổi bộ luật năm 2015 không vì một vài vụ án mà thay đổi cả một chính sách hình sự lớn đối với trẻ em đã được tồn tại và ổn định lâu dài từ Bộ luật Hình sự năm 1999. Trẻ em chưa phát triển toàn diện đầy đủ về cả thể chất và tinh thần, nhận thức, việc phạm tội chủ yếu là do bị kích động, lôi kéo và không làm chủ được bản thân, do vậy việc xử lý hình sự đối với trẻ em là điều phải cân nhắc; ưu tiên xử lý bằng các biện pháp khác mới đem lại hiệu quả tác dụng giáo dục và thể hiện tính nhân văn của pháp luật.

Cũng đồng tình với phương án 2, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đã có phân tích khá sâu sắc, làm rõ hơn vấn đề nên hay không nên mở rộng phạm vi xử lý hình sự với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi.

Theo đại biểu này, xử lý như Bộ luật Hình sự năm 2015 là rất nặng cho trẻ em và dường như không còn sự phân hóa giữa trẻ em phạm tội với người lớn phạm tội. Bởi vì, từ đủ 14 đến dưới 16 là độ tuổi diễn ra nhiều sự thay đổi nhất về tâm, sinh lý như tò mò, hiếu động, hành động bộc phát, thích bắt chước những điều mới lạ... Cùng với đó, sự thiếu hiểu biết về xã hội, hạn chế trong nhận thức pháp luật, dễ dẫn tới các em có những hành vi lệch chuẩn. Thực tế tại các phiên tòa, nhiều em đã nói rằng: "Nếu như cháu biết đây là phạm tội thì đã không bao giờ làm". Chính những đặc điểm đó cho nên pháp luật quốc tế cũng như pháp luật Việt Nam không quy định truy cứu trách nhiệm hình sự của trẻ em giống như với người lớn.

"Xử lý đối với người chưa thành niên không nên bằng thái độ quá nóng. Điều này không có nghĩa là chúng ta sẽ cưng chiều, dung dưỡng cho những vi phạm của các em. Điều quan trọng là khi bắt tay sửa vào điều luật này, chúng ta sẽ phải tự hỏi trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội đến đâu trong sự việc vi phạm ngày hôm nay và xử lý như thế nào là đúng mức để các em có điều kiện quay trở lại với cuộc đời còn rất dài ở phía trước" - đại biểu Thuỷ nêu quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên).


Tại kỳ họp thứ hai, khi lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) là người ủng hộ phương án 1. Nhưng quá trình tìm hiểu, nghiên cứu sâu về vấn đề này, trong phần thảo luận tại hội trường hôm nay, đại biểu này đã thấy cần thay đổi ý kiến để ủng hộ phương án còn lại.

"Một thực tế rất đáng lo ngại là tại các trại giam, nhà tạm giữ ở nhiều địa phương đang quá tải, có nơi không có chỗ giam riêng cho người vị thành niên. Trong khi đó, các cơ sở giáo dục bắt buộc của Bộ Công an lại không có học viên để quản lý giáo dục" - đại biểu Nguyễn Thái Học bảo vệ quan điểm của mình.

Nhân đạo không dựa trên nền cảm tính

Bên cạnh nhiều ý kiến ủng hộ phương án 2, cũng không ít đại biểu nêu các quan điểm khá mạnh mẽ khi chọn lựa phương án 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cho rằng, hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, nhất là tình trạng bạo lực học đường, hiếp dâm và bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản do người chưa thành niên thực hiện có chiều hướng ra tăng. Nhiều vụ xảy ra với tính chất phức tạp, mức độ vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài cho sức khỏe của người bị hại, cần xử lý nghiêm minh.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận).


"Thực tế thời gian qua, liên quan tới các tội danh này, việc áp dụng các biện pháp giáo dục hòa giải tại cộng đồng là không hiệu quả. Nhiều trường hợp sau khi được áp dụng các biện pháp giáo dục tại cộng đồng tiếp tục tái phạm, thậm chí lần sau mức độ vi phạm, tính chất tinh vi và nguy hiểm hơn. Các cử tri rất bức xúc về vấn đề này. Như vậy, đây không phải là phương án tốt để giáo dục các cháu trở thành người có ích cho xã hội" - đại biểu Phúc nói.

Đồng tình với đại biểu Phúc, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng bày tỏ lo ngại khi tội phạm đang ngày càng trẻ hóa với những hành động vi phạm phức tạp, tàn bạo, phi nhân tính, đặc biệt, gần đây tệ nạn hiếp dâm, bắt cóc tống tiền, cố ý gây thương tích cho người khác gia tăng một cách nghiêm trọng, gây bức xúc, bất an cho xã hội, cần được xử nghiêm để cảnh báo, răn đe, hướng tới xây dựng một xã hội bình yên. Không những thế, đối tượng này gần đây cũng bị một số kẻ xấu lợi dụng kích động gây bạo loạn.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình)


"Tuổi từ đủ 14 đến 16 phạm tội là cá biệt nhưng lại gây bất an cho số đông, luôn tạo cho mọi người cảm giác lo âu, sợ hãi, vì thế luật phải bảo vệ cho số đông. Luật xử nghiêm đối tượng này chính là xử một người nhưng cứu muôn người. Đó chính là điều nhân văn. Trong trường hợp không đến mức nghiêm trọng hoặc ít nghiêm trọng thì luật có căn cứ tình tiết giảm nhẹ, đấy là đạo đức pháp luật" - đại biểu Phương nêu quan điểm.

"Nhân đạo phải có đạo lý, chứ nhân đạo không dựa trên nền cảm tính" - đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nêu quan điểm. Đại biểu này đề nghị: "Tôi là người rất cứng rắn nhưng có một số clip các em đánh nhau, xâm phạm, đánh trẻ em nữ, xé quần áo, đón đường đánh nhau... tôi không thể xem được hết. Nếu điều này đưa ra quốc tế, cho những người nước ngoài xem thì liệu người ta có đồng tình với việc xử lý của chúng ta không? 

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre)


Hình phạt và cách giáo dục thông qua biện pháp hình sự là biện pháp tốt nhất. Nếu chúng ta chỉ giáo dục đơn thuần thì không đủ sức để răn đe và phòng, chống tội phạm. Tất cả các quy định của pháp luật đều có chức năng rất quan trọng đó là dự liệu, dự báo. Tại sao chúng ta không quy định trong luật? Một số đại biểu nói đến việc không có nhà tù, không đủ trại giam nhưng chúng ta không nói đến việc bỏ tù các em. Xử lý hình sự và áp dụng hình phạt là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau".

Trước nhiều ý kiến bộc lộ quan điểm cũng như phân tích sâu sắc của các đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, Điều 12 về chính sách xử lý hình sự đối với người chưa thành niên ở độ tuổi từ đủ 14 đến 16 là một vấn đề rất lớn, rất quan trọng. Ý kiến đại biểu Quốc hội tập trung vào hai phương án, với những lập luận, lý lẽ đều hợp lý, thuyết phục. Do đó, Đoàn Chủ tịch hội ý sẽ gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội và đề nghị đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến vào phương án đó. Phương án nào có đa số ý kiến thì sẽ được chọn. 

Bảo Hân