Tránh phá hỏng máy ảnh do ánh đèn sân khấu
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 08:59, 24/05/2017
Điểm giao cắt giữa hai đường thẳng trong hình là nơi cảm biến bị cháy do tia laser từ sân khấu. |
Nguy cơ không mới
Thực tế, tác hại của đèn laser trên các sân khấu biểu diễn đối với cảm biến máy ảnh không phải là một vấn đề quá mới mẻ và cũng nhiều lần được các trang công nghệ cảnh báo. Tùy vào cường độ, một số tia có thể không trực tiếp gây hại cho mắt nhìn, nhưng lại là “chết người” khi chiếu vào các cảm biến máy ảnh vốn rất nhạy sáng.
Theo Hiệp hội Laser trình chiếu quốc tế (ILDA), tia Laser – với đặc tính là sự tập trung cao độ của ánh sáng, có thể khiến các bề mặt nhạy cảm bị nóng lên nhanh chóng (ví dụ như võng mạc mắt), dẫn tới thương tích. Trong khi đó, cảm biến của máy ảnh vốn có thể ghi nhận cả những nguồn sáng “vô hình” trước mắt người (như tia hồng ngoại từ điều khiển từ xa), chắc chắn sẽ chịu những tác động tiêu cực ở cường độ lớn hơn nhiều.
Hiện nay, hầu hết máy ảnh (kể cả DSLR cao cấp) đều sử dụng cảm biến CMOS (chủ yếu) hoặc CCD (với máy quay), bao gồm các sản phẩm đến từ Canon, Nikon, Sony, Panasonic… và nhiều thương hiệu khác. Tất cả số này đều tiềm ẩn nguy cơ bị phá hỏng nếu bị tia laser đủ mạnh chiếu vào. Điều này đồng nghĩa với việc dù chiếc máy ảnh có thể “sống sót” qua một sự kiện này, nhưng không chắc nó đã tồn tại qua một sự kiện khác với hệ thống ánh sáng hoành tráng hơn.
Những tác hại khó lường
Trên bề mặt của cảm biến máy ảnh là những diode nhạy sáng, có thể sinh ra điện khi ánh sáng chiếu vào. Khi tia laser chiếu trực tiếp vào chúng, mạch điện bên dưới sẽ bị thiêu cháy (tương tự như hiện tượng quá áp đối với dây điện). Trong các tình huống thông thường, điện áp diode sáng sinh ra sẽ trong khoảng 1-9V, tuy nhiên với tia laser, con số có thể lên cao hơn nhiều, dẫn tới những hậu quả đáng tiếc. Khi một diode sáng bị quá tải, dòng điện cũng sẽ lan ra các diode xung quanh, dẫn tới sự xuất hiện của hai đường thẳng cắt nhau (đối với cảm biến CCD) hoặc các khoảng lan rộng (với cảm biến CMOS) do đặc thù thiết kế từng loại.
Nguồn sáng dưới ngưỡng gây hại cho mắt người vẫn có thể phá hỏng cảm biến nhạy cảm trong máy ảnh/máy quay. |
Vấn đề nằm ở chỗ, dù những hậu quả của việc chụp thẳng vào Mặt trời là điều đã khá quen thuộc với cộng đồng nhiếp ảnh, tác hại từ ánh sáng laser lại ít được chú ý hơn. Trong những năm qua, đã có không ít những trường hợp hỏng máy do ánh đèn sân khấu đã được ghi nhận, với nhiều biểu hiện khác nhau. Trong đó, phổ biến nhất là các tình huống hỏng “nhẹ” với một vài điểm ảnh hoạt động bất thường hoặc chết hẳn. Tuy nhiên, để nhận biết điều này thường khá khó và chủ yếu chỉ thấy rõ khi người dùng chụp ảnh với màu sắc đồng nhất (ví dụ như bầu trời xanh).
Đối với những trường hợp nặng hơn, ngoài việc những khu vực “chết” sẽ mở rộng, hình ảnh ghi lại từ cảm biến có thể bao cả “bóng ma” của tia laser. Về cơ bản, trường hợp nào cũng sẽ dẫn tới việc máy ảnh không còn ghi lại được những bức hình chất lượng, điều không thể chấp nhận với bất cứ người dùng nào.
Chính vì thế, dù cảm biến chỉ bị chết vài điểm hay hỏng hoàn toàn, người dùng đều phải thay mới với giá từ hàng trăm USD tới hàng ngàn USD tuỳ độ “xịn” của máy quay và máy ảnh.
Một số lưu ý “phòng bệnh hơn chữa bệnh”
* Ban tổ chức phải bố trí vị trí có tính toán cho báo chí và đài truyền hình
Cũng theo ILDA, với những chương trình biểu diễn quy mô lớn, thực tế Ban tổ chức cần thiết phải làm việc trước với đội ngũ phóng viên, quay phim về cách bố trí vị trí quay, nguồn ánh sáng nhằm đảm bảo an toàn cho các thiết bị ghi hình (thường rất đắt tiền) mà các báo hay đài truyền hình sẽ sử dụng. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc toàn bộ các máy ảnh hay máy quay mà khán giả mang tới điểm biểu diễn sẽ được an toàn. Do đặc thù đám đông và tính đa dạng của thiết bị, thông thường việc hỏng hóc các loại máy ảnh, máy quay mà khán giả sử dụng ở các sự kiện không quy trách nhiệm hoàn toàn nằm ở Ban tổ chức, trừ trường hợp họ sử dụng nguồn sáng nằm ngoài các quy định an toàn.
Hình ảnh thu từ máy quay RED Epic trị giá 20.000 USD của một đài truyền hình khi đang hoạt động bình thường… |
… và khi hỏng cảm biến chỉ sau một tích tắc tia laser từ sân khấu chiếu vào. |
* Đảm bảo chuẩn an toàn đối với ánh sáng sử dụng
Một thực tế ít ai để ý là bản thân ILDA cũng đã quy định rất rõ ràng về việc các chương trình biểu diễn có sử dụng đèn laser phải đảm bảo ánh sáng đạt chuẩn an toàn quốc tế như IEC 60825 và ANSI Z136. Cả hai chuẩn này đều quy định rõ ràng chỉ số phơi sáng cực đại cho phép MPE (Maximum Permissible Exposure).
Tuy nhiên, dù những nguồn sáng dưới mức MPE quy định sẽ an toàn cho mắt người, nhưng thường vẫn trên ngưỡng chịu đựng của máy ảnh và các thiết bị ghi hình khác, dẫn tới làm hỏng cả cảm biến CCD lẫn CMOS. Đáng tiếc, tới nay chưa có chỉ số quy định an toàn nào dành cho các loại cảm biến hình ảnh như vậy.
* Giữ an toàn cho máy quay và các thiết bị ghi hình cảm biến lớn
Một điều dễ nhận thấy là so với máy ảnh, máy quay thường dễ gặp nguy hiểm từ các nguồn sáng hơn do đặc thù hoạt động liên tục và thường đổi nhiều hướng khác nhau trong suốt thời gian sự kiện diễn ra. Đây là điều trái ngược với máy ảnh vốn chỉ bắt hình trong khoảnh khắc rất ngắn. Do đó, những người tác nghiệp với máy quay cần hết sức cẩn trọng và quan sát kĩ quy luật ánh đèn sân khấu trước khi bấm máy.
Thêm vào đó, dù còn tùy thuộc vào ống kính sử dụng, nhưng các loại máy quay, máy ảnh có cảm biến diện tích lớn (thường là loại cao cấp đắt tiền) thường đối mặt tỉ lệ “đón” ánh sáng laser lớn hơn so với các loại máy với cảm biến nhỏ (như điện thoại di động). Do đó, nguy cơ rủi ro hỏng hóc cũng lớn hơn tương ứng (song song với khoản tiền khắc phục không hề nhỏ).
Tại sao phải chụp ảnh hay quay phim khi mục đích của bạn tới với các show diễn là hòa nhập vào không khí sôi động? |
* Thói quen tốt giúp đảm bảo an toàn
Đối với người dùng, cảnh giác là cách tốt nhất để giữ an toàn cho các thiết bị ảnh. Nói cách khác, bạn nên cân nhắc trước khi bấm máy, tránh để các tia laser chiếu trực diện vào ống kính. Dù điều này không dễ dàng gì, tuy nhiên hãy cố gắng quan sát sân khấu để phán đoán nếu có thể. Một quy tắc an toàn là nếu bạn không nhìn thấy nguồn phát (như thấu kính máy phát hay kính phản chiếu) trong kính ngắm của máy ảnh/máy quay, tia sáng không đi trực diện vào ống kính và thường là an toàn.
Nhìn chung, mặc dù những câu chuyện phát sinh gây xôn xao mạng xã hội và cộng đồng sau sự kiện biểu diễn tại Hà Nội vừa qua là lời cảnh báo hữu ích đối với những người dùng máy ảnh và máy quay. Tuy nhiên cũng cần nói rằng một thiếu sót nằm ở chỗ hầu hết ý kiến đều chỉ chú trọng tới những chiếc máy ảnh, hầu như ít ai đề cập tới sức khỏe của bản thân. Đây cũng là một thực trạng đáng ngại và có lẽ đã tới lúc mỗi người nên dành sự quan tâm đúng mức cho vấn đề này.