Mưa dầm thấm lâu
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:43, 25/05/2017
Tiết học chuyên đề “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội” tại Trường THCS Thạch Bàn (quận Long Biên). |
Bộ tài liệu tập trung vào những vấn đề cơ bản của thanh lịch, văn minh, từ khái niệm đến phong cách giao tiếp, ứng xử với yêu cầu, mức độ phù hợp với mỗi lứa tuổi. Nếu như ở cấp tiểu học, tài liệu tập trung chỉ dẫn về ăn, mặc, trang phục ở mức sơ đẳng thì với cấp THPT, cũng với những chủ đề này, học sinh được định hướng hành vi xứng với phong cách người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phù hợp với người đang trưởng thành. Mỗi nhà trường tự tìm cho mình hướng tiếp cận và phương pháp giảng dạy phù hợp để truyền đạt cho học sinh. Hiện tại, Hà Nội vẫn là địa phương duy nhất triển khai bộ tài liệu này với vị trí như một môn học trong chương trình chính khóa nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục đạo đức, nếp sống cho học sinh.
Trường Tiểu học đô thị Sài Đồng (Long Biên) là một trong những đơn vị có nhiều sáng tạo trong việc triển khai bộ tài liệu này. Còn nhớ, vào năm học trước, tiết dạy của cô giáo Vũ Thị Hoa Mơ tại hội thi giáo viên dạy giỏi cấp quận đã gây ấn tượng mạnh với đồng nghiệp và phụ huynh. Thông qua câu chuyện cụ thể liên quan tới chủ đề “Nói chuyện với thầy, cô giáo”, cô Vũ Thị Hoa Mơ đã dẫn dắt học sinh xử lý nhiều tình huống cụ thể. Thực tế, “Nói chuyện với thầy, cô giáo” là hoạt động tương tác hằng ngày của mỗi học sinh, nhưng không phải ai cũng tự tin, mạnh dạn trình bày, chia sẻ với thầy, cô giáo điều mình muốn nói. Vì thế, cô giáo Vũ Thị Hoa Mơ đã mạnh dạn điều chỉnh, bổ sung một số nội dung trong bài học cho phù hợp với học sinh, phù hợp với phương pháp tự học, tự nghiên cứu theo định hướng của nhà trường.
Cũng như nhiều trường khác, Trường THPT Đông Anh xác định bộ tài liệu là nội dung không thể thiếu trong công tác giáo dục đạo đức cho học sinh. Điểm khác biệt là các thầy, cô giáo trong trường đã lồng ghép nội dung kiến thức trong tài liệu với các kiến thức thực tế tại địa phương. Ví dụ, để triển khai bài “Người Hà Nội ứng xử thanh lịch, văn minh nơi công cộng”, giáo viên đã lồng ghép các tư liệu về di sản văn hóa trên địa bàn huyện như đền Sái, khu di tích Cổ Loa, ca trù, múa rối nước... Qua bài học, các em không chỉ được bồi dưỡng về lòng tự hào quê hương, có thêm hiểu biết về di sản văn hóa, mà còn nhận ra ý thức, trách nhiệm của bản thân trong việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản. Từ bài học cụ thể, nhiều học sinh đã mạnh dạn trình bày hiểu biết của mình về quê hương Đông Anh, về Hà Nội; xác định được những việc cần làm ngay như giữ gìn vệ sinh môi trường, không có hành vi làm ảnh hưởng tới cảnh quan, di tích…
Ngoài việc đưa vào giảng dạy trong chương trình chính khóa, năm học vừa qua, ngành Giáo dục quận Thanh Xuân đã tổ chức cho toàn bộ nữ sinh lớp 9 của các trường THCS trên địa bàn quận mặc áo dài khi đến trường. Sự điều chỉnh tưởng chừng là nhỏ ấy đã tác động đáng kể đến ý thức, hành vi của học sinh. Theo chia sẻ của nhiều nữ sinh, khi khoác lên mình bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam, các em nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn hình ảnh đẹp của người phụ nữ, luôn cố gắng ứng xử chuẩn mực.
Mới đây, tại buổi làm việc với Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, ông Chử Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: Để tạo được sự chuyển biến đồng bộ, bền vững thì việc giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch cho học sinh phải được thực hiện thường xuyên, liên tục chứ không chỉ trông chờ vào những tiết học. Vì thế, các thầy, cô giáo và phụ huynh phải là tấm gương về ứng xử văn minh, thanh lịch để các em noi theo, tránh tình trạng con vừa được học bài về văn hóa giao thông ở trường thì trên đường đưa con về nhà bố mẹ lại vượt đèn đỏ…