Chuyển giáo viên từ biên chế sang hợp đồng là xu thế tất yếu
Giáo dục - Ngày đăng : 06:42, 26/05/2017
Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Internet |
- Thời gian qua, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã bàn nhiều đến tự chủ giáo dục. Vậy, tiến độ triển khai như thế nào, thưa ông?
- Vừa qua, khi xây dựng nghị định tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập ngành Giáo dục, Bộ Giáo dục - Đào tạo, chúng tôi đã xây dựng một nghị định cho giáo dục đại học và một nghị định dành cho giáo dục phổ thông (đang bàn thêm). Tôi xin nhấn mạnh, chủ trương chung của Bộ về tự chủ chính là phân cấp, phân quyền cho các cơ sở giáo dục, bao gồm tự chủ về nhiệm vụ và tự chủ về nhân sự. Đây là quan điểm tích cực, bởi các trường mới là nơi có nhu cầu tuyển dụng, biết rõ số lượng giáo viên thừa thiếu ra sao, nhưng lại đang bị động trong khâu tuyển dụng giáo viên. Việc tuyển dụng do UBND huyện hay các sở đảm nhiệm theo kế hoạch biên chế chung, thậm chí tuyển gộp rồi phân về cho các trường, dẫn đến hiện tượng thừa thiếu cục bộ, gây khó khăn cho các trường. Tương tự, về nhiệm vụ, các trường đã được phân quyền, nhưng thực tế sự chủ động vẫn chưa nhiều.
Nếu không phân cấp mạnh hơn nữa cho các trường thì vai trò chủ động của các nhà trường và tính linh hoạt của giáo viên chắc chắn sẽ mờ nhạt, khó tránh khỏi việc các cấp quản lý như sở, phòng sẽ can thiệp vào nhiệm vụ chuyên môn cũng như nhiều hoạt động khác của trường. Vì vậy, đã tới lúc phải đẩy mạnh tiến trình cho các trường tự chủ trong việc tuyển dụng giáo viên, đánh giá cán bộ, tiến tới thí điểm chế độ hợp đồng lao động đối với giáo viên.
- Bộ có dự báo, khi thí điểm chế độ hợp đồng lao động đối với giáo viên sẽ gặp phải vướng mắc gì không, thưa ông?
- Lâu nay, dư luận vẫn đề cập tới vấn đề thu nhập của giáo viên thấp, đời sống giáo viên khó khăn. Nhưng nếu chúng ta giữ định biên như hiện nay, sẽ bó buộc trong đồng lương công chức, viên chức, khó nâng cao chất lượng đội ngũ, tạo đột phá cho quá trình đổi mới giáo dục và tạo ra động lực cho những người tâm huyết. Đó là sự thật và cũng là "món nợ" mà người đứng đầu ngành như tôi cảm thấy day dứt khi chưa trả được. Khi đổi mới, tôi cho rằng bước đầu thực hiện sẽ không tránh khỏi những vướng mắc. Vì đây là vấn đề tác động đến hơn một triệu giáo viên; ban đầu sẽ có người đồng thuận, sẽ có người băn khoăn, thậm chí là phản đối. Bộ sẽ nghiên cứu kỹ, từng bước thí điểm để có lộ trình hài hòa.
- Ông có thể cho biết rõ hơn lộ trình mà Bộ sẽ triển khai?
- Chúng tôi sẽ tính toán cụ thể với kế hoạch từng bước; không phải cùng lúc toàn ngành Giáo dục sẽ chuyển từ công chức, viên chức sang chế độ hợp đồng. Trước mắt, ngành làm tốt theo Luật Viên chức, sau đó từng bước thí điểm, phù hợp với tình hình của từng địa phương; không dùng giải pháp hành chính để áp đặt; vùng sâu, vùng xa cũng phải có phương án riêng để phù hợp với tình hình thực tế.
- Trân trọng cảm ơn ông!