Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em
Đời sống - Ngày đăng : 05:58, 30/05/2017
Mô hình Hội đồng Trẻ em là hướng đi mới thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em. Ảnh: Thái Hiền |
“Kênh” nắm bắt nguyện vọng của trẻ em
Theo Đề án Tổ chức và hoạt động của Hội đồng Trẻ em TP Hà Nội, Hội đồng sẽ do Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội thành lập gồm 41 trẻ em từ 9 đến 15 tuổi được chọn lựa, đề cử từ những thiếu nhi xuất sắc, đại diện cho các quận, huyện, thị xã. Hội đồng là nhóm đại diện cho trẻ em để định kỳ bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, trao đổi, đối thoại, kiến nghị với đại diện HĐND các cấp về những vấn đề liên quan đến trẻ em ở địa phương. Hoạt động của Hội đồng Trẻ em được bảo đảm bởi sự định hướng và hỗ trợ của Ban tham vấn (dự kiến có 16 thành viên đại diện các sở, ngành, các giới), trong đó có thành viên của một ban HĐND thành phố tham gia.
Định kỳ mỗi năm, HĐND thành phố sẽ làm việc, nghe đại diện trẻ em Thủ đô bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, từ đó xây dựng chính sách về trẻ em phù hợp, sát thực tiễn. Theo khung chương trình, nội dung các cuộc họp sẽ bàn các chuyên đề, trong đó tập trung vào thực trạng thực hiện quyền trẻ em, những hành vi vi phạm quyền trẻ em; việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại địa phương.
Để việc thành lập Hội đồng Trẻ em bảo đảm đúng tiến độ, Ban Thường vụ Thành đoàn đã báo cáo và kiến nghị Thường trực HĐND thành phố quan tâm, tạo điều kiện để Hội đồng Trẻ em một năm làm việc với lãnh đạo HĐND thành phố 2 lần trước mỗi kỳ họp HĐND thành phố một tháng. Nhận thấy sự cần thiết, ngày 19-5-2017, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã ban hành Văn bản số 195/HĐND-VP về việc này. Theo đó, Thường trực HĐND thành phố đồng ý kiến nghị của Ban Thường vụ Thành đoàn. Thường trực HĐND thành phố cũng đã cử đại biểu Nguyễn Quang Thắng, Phó ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố tham gia Ban tham vấn Hội đồng Trẻ em TP Hà Nội.
Chuẩn bị kỹ lưỡng
Chánh Văn phòng HĐND thành phố Lê Minh Đức cho rằng, để hoàn thiện quá trình xây dựng chính sách về trẻ em thì việc thành lập Hội đồng Trẻ em là cần thiết. Tuy nhiên, để mô hình đi vào hoạt động hiệu quả, vai trò của Ban tham vấn rất quan trọng. Đặc biệt, Hội đồng Đội thành phố cần đề xuất, góp ý, thiết kế nội dung hoạt động khoa học, phù hợp với tâm lý, khả năng của trẻ em; tạo cơ chế để trẻ em trình bày ý kiến về các vấn đề liên quan đến trẻ em tại địa phương.
Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội TP Hà Nội Nguyễn Khánh Bình cho biết, hình thức, nội dung hoạt động của Hội đồng Trẻ em sẽ được chuẩn bị kỹ lưỡng. Trước mỗi cuộc họp, các thành viên Hội đồng Trẻ em sẽ lấy ý kiến của thiếu nhi nơi mình sống, sinh hoạt, học tập để chuẩn bị phiên họp. Tại phiên họp, các thành viên sẽ thảo luận, tranh luận các vấn đề quan tâm theo mô hình một phiên làm việc của HĐND. Sau ý kiến phản ánh của các thành viên, đại diện Ban tham vấn giải đáp, tiếp thu các kiến nghị của trẻ em. Các ý kiến của Hội đồng Trẻ em tại phiên họp sẽ được tổng hợp bằng văn bản gửi HĐND thành phố ngay sau phiên họp.
Cách nghĩ “người lớn bảo, trẻ em nghe” hiện nay không còn phù hợp, mà cần có sự tương tác giữa cha mẹ - con cái, giáo viên - học sinh. Hội đồng Trẻ em sẽ là một “kênh” quan trọng để lấy ý kiến của trẻ em, qua đó giúp các em phát triển kiến thức, kỹ năng; học cách giải quyết vấn đề và quyết định một cách có trách nhiệm, chuẩn bị trở thành công dân năng động, có ích. Và quan trọng hơn, qua đây, Hội đồng Trẻ em sẽ tác động đến các nhà hoạch định chính sách nhằm bảo vệ trẻ tốt hơn. Nhiều đại biểu HĐND TP Hà Nội mong muốn, để mô hình hoạt động hiệu quả, thực chất, cơ quan Thường trực Hội đồng Trẻ em là Thành đoàn - Hội đồng Đội thành phố phải xây dựng mô hình hoạt động thiết thực, trả lời được các câu hỏi: Trẻ em muốn gì, trẻ em muốn làm như thế nào, người lớn hỗ trợ các em như thế nào để hoạt động hiệu quả?
Hy vọng, việc thành lập Hội đồng Trẻ em TP Hà Nội giai đoạn 2017-2020 sẽ đáp ứng tiêu chí nâng cao vai trò giám sát, trình bày ý kiến, đối thoại của trẻ đối với những vấn đề các em quan tâm, làm cơ sở để cơ quan nhà nước ở địa phương xây dựng chính sách liên quan đến trẻ em phù hợp thực tiễn, đi vào cuộc sống.
Theo Hội đồng Đội trung ương, việc thí điểm mô hình Hội đồng Trẻ em cấp tỉnh, thành phố giai đoạn 2017-2020 là hình thức hoạt động thiếu nhi mới do chính trẻ em trực tiếp điều hành. Mỗi hội đồng có số lượng thành viên từ 33 đến 55; với cơ cấu một chủ tịch, 2-4 phó chủ tịch. Tương ứng với số lượng trẻ em trên địa bàn Hà Nội, Hội đồng Trẻ em thành phố có 41 thành viên, trong đó có 1 chủ tịch, 2 phó chủ tịch và 38 ủy viên. Dự kiến, mô hình này đi vào hoạt động vào tháng 6-2017. |