Để nông sản Việt Nam hội nhập hiệu quả: Thay đổi tư duy sản xuất

Kinh tế - Ngày đăng : 06:55, 31/05/2017

(HNM) - Hội nhập mang lại những cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, song cũng hàm chứa những rào cản, thách thức gay gắt. Để bảo đảm tiêu chuẩn khi xuất khẩu nông sản, Việt Nam phải thay đổi tư duy sản xuất theo hướng an toàn nhằm nâng cao chất lượng nông sản...

Hệ thống nhà kính rau mầm, rau thủy canh của Công ty VinEco.


Rào cản, thách thức

Để kiểm soát chất lượng nông sản nhập khẩu, các nước như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã triển khai hàng loạt hàng rào kỹ thuật mới trong đó hàm chứa nhiều nội dung, nhất là vấn đề liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông Herb Cochran, cố vấn Liên minh Tạo thuận lợi thương mại Mỹ tại Việt Nam cho biết: Mỹ đã ban hành Đạo luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA).

Đạo luật này chính thức có hiệu lực từ tháng 9-2017 và sẽ trở thành rào cản lớn nhất cho doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu nông sản sang thị trường này. “Điều này có nghĩa, thay vì kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm ở cảng nhập khẩu tại Mỹ, Cục Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) sẽ giám sát trên toàn chuỗi và có tần suất kiểm tra bắt buộc đối với các cơ sở sản xuất, xuất khẩu vào Mỹ” - ông Herb Cochran nói.

Đánh giá về những quy định mới trên, ông Đào Đức Huấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn thuộc Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết: Đạo luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm yêu cầu một sản phẩm muốn xuất khẩu sang Mỹ không những đáp ứng yêu cầu về chất lượng mà còn phải bảo đảm điều kiện về kiểm soát toàn bộ nguồn gốc từ khi sản xuất, sơ chế, bảo quản, đóng gói và dán tem nhãn mác. Ngoài ra, quy định mới của Đạo luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm Mỹ sẽ làm gia tăng các thủ tục, dẫn đến tăng chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Thay đổi phương thức sản xuất

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (TP Cần Thơ). Ảnh: Quốc Tuấn


Với những quy định mới về an toàn thực phẩm, để nông sản Việt Nam đủ sức cạnh tranh và hội nhập tại thị trường khó tính, ông Đào Đức Huấn cho rằng: Các doanh nghiệp Việt Nam bắt buộc phải thay đổi phương thức sản xuất và xúc tiến thương mại. Trước hết, doanh nghiệp phải bỏ thói quen làm thương mại theo kiểu ngẫu nhiên, chỉ tập trung vào sản xuất, tìm đối tác xuất khẩu và không kiểm soát chất lượng nguồn gốc nông sản. Theo ông Đào Đức Huấn: Để làm được việc này, doanh nghiệp phải xây dựng chuỗi liên kết hoàn chỉnh, khép kín, liên kết với hộ nông dân, ngoài cung cấp vật tư nông nghiệp phải “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn người dân về kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch bảo đảm chất lượng.

Trao đổi nội dung trên, luật sư Nestor Sherbey, chuyên gia Liên minh Tạo thuận lợi thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam khuyến cáo: Nếu doanh nghiệp Việt Nam chưa đàm phán với nhà nhập khẩu Mỹ hoặc tuân thủ yêu cầu về an toàn thực phẩm, không nên xuất khẩu nông sản vào thị trường này để tránh rủi ro.

Với mục tiêu nâng cao sức cạnh tranh nông sản Việt Nam hội nhập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh cho biết: Hiệp hội đã cập nhật tình hình và đưa ra Bộ tiêu chí "Hàng Việt Nam chất lượng cao - chuẩn hội nhập" nhằm trang bị cho doanh nghiệp Việt Nam trong sân chơi hội nhập. Khi doanh nghiệp đăng ký thực hiện bộ tiêu chí này phải cam kết kiểm soát chất lượng sản xuất trên toàn chuỗi giá trị.

Đề cập vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp, bà Vũ Kim Hạnh đề nghị cơ quan quản lý nhà nước gồm các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Công Thương nhanh chóng nghiên cứu quy định mới này để đưa ra hướng dẫn phù hợp cho doanh nghiệp từ việc truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, tem nhãn… để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Ngọc Quỳnh