Trồng cây xà cừ ở đô thị - nên hay không?
Đời sống - Ngày đăng : 06:18, 01/06/2017
Một cây xà cừ trên phố Trần Quốc Toản bị đổ do giông lốc. Ảnh: Bá Hoạt |
Theo thống kê của Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội, trong giai đoạn năm 2014-2016, trên địa bàn Hà Nội đã có 132 cây xà cừ bị đổ, chiếm tỷ lệ lớn trong số cây đổ gây tổn hại về người và tài sản. |
Không phù hợp với không gian đô thị
Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có hơn 4.000 cây xà cừ (một số quận như Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông chưa được thống kê). Xà cừ được trồng nhiều trên phố Hoàng Diệu, Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Hoa Thám, La Thành, Yên Phụ, đường Bưởi, đường Láng, đường Phạm Văn Đồng... có tán lá rậm, xanh, cành nhiều. Trong điều kiện tự nhiên, cây có thể cao từ 35-40m, đường kính thân có thể đạt 2m.
Ông Nguyễn Xuân Hanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, hầu hết xà cừ trồng trên các tuyến phố trước đây không được thường xuyên chăm sóc ở giai đoạn đầu, do vậy cây phát triển theo xu thế tự nhiên là vươn ra chỗ sáng, thường có hình dáng to, bị nghiêng, cong không bảo đảm mỹ quan đô thị. Gỗ cây thuộc nhóm 5, không có giá trị cao về kinh tế. Thêm nữa, bộ rễ xà cừ cần không gian phát triển lớn trong khi vỉa hè Hà Nội hẹp, nhà cửa nhiều, công trình ngầm ngay sát nên thiếu đất cho rễ cây phát triển dẫn đến tán cây nặng, mất cân đối, dễ đổ khi mưa bão.
Ông Lê Thế Vinh, nguyên cán bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghỉ hưu nhận xét: Không giống như các loại cây đô thị khác, như bàng, phượng vĩ, lá xà cừ rụng nhiều rất khó khăn khi thu dọn. Mùa mưa, lá cây theo dòng chảy có thể gây tắc cống thoát nước. Sự cố một cây xà cừ đổ trong Trường THPT Chu Văn An làm học sinh bị thương cho thấy cần thiết phải khảo sát, loại bỏ xà cừ trong trường học để bảo đảm an toàn.
Cần khảo sát, đánh giá, phân loại cụ thể
Tại Hội thảo về cây xà cừ trên địa bàn TP Hà Nội, TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội nêu quan điểm: Xà cừ không phải là cây khuyến nghị trồng thêm nhưng cũng không phải cây hạn chế phát triển. Đây là cây cao niên, không phải là cây cổ thụ, không gắn với tính lịch sử và chịu nhiều biến động không kiểm soát của thiên nhiên. Rễ cây nổi, gồ ghề, ảnh hưởng nhiều đến hạ tầng kỹ thuật, mỹ quan đô thị và không gian vỉa hè. Tuy nhiên, nếu thay thế xà cừ thì cần phải khảo sát cụ thể, phân loại rõ, như: Cây già cỗi, sâu mục, nguy cơ mất an toàn, không phù hợp cảnh quan. Đồng thời, nên xem xét một số vị trí đặc thù để gìn giữ, bảo tồn.
Cùng quan điểm, TS Lại Thanh Hải, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lâm sinh - Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam và kiến trúc sư Trần Duy, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho rằng, quy hoạch hệ thống cây xanh mặt nước thành phố không khuyến khích trồng mới cây xà cừ nhưng cũng không đề nghị thay thế. Mặt khác, cây này thuần túy có giá trị tinh thần. Vì vậy, nên khảo sát, định lượng rõ những hạn chế, mức độ ảnh hưởng... Có thể thay thế cây trên tuyến phố và đưa về trồng tại công viên.
GS.TS Phạm Văn Điển, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp, hiện là Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang đề nghị, giao một nhóm tư vấn khảo sát, điều tra, thu thập thông tin, phân nhóm, sau đó công khai xin ý kiến cộng đồng xã hội rồi mới tổ chức thực hiện... Vì vấn đề ở đây là nên ứng xử với cây xà cừ như thế nào? Cách giải quyết cũng phải đồng bộ, nếu bỏ xà cừ thì thay bằng cây gì?
Thời gian qua, khi giải phóng mặt bằng cho dự án đường sắt trên cao Nhổn - Ga Hà Nội, thành phố đã quyết định di dời thay vì chặt hạ hàng cây xà cừ trên phố Kim Mã (đoạn Công viên Thủ Lệ). Số cây trên đang được chăm sóc tại vườn ươm và đạt tỷ lệ sống khá cao, có thể trồng lại tại các công viên của thành phố.
Hiện, thành phố tiếp tục giải phóng mặt bằng dự án mở rộng đường Vành đai 3 (đường Phạm Văn Đồng), trong đó có 1.315 cây xanh các loại (khoảng 980 cây xà cừ). Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và các đơn vị liên quan dự kiến đánh chuyển 158 cây, cắt tỉa 142 cây, còn lại kiến nghị chặt hạ (chủ yếu là xà cừ) do cây sâu bệnh, nghiêng lệch, hoặc đường kính lớn hơn 0,5m, nếu trồng lại tốn kém, khả năng sống không cao.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, đây là hội thảo ban đầu, các nội dung cụ thể còn tiếp tục được bàn thảo. Sở sẽ báo cáo UBND thành phố, đề xuất về thực trạng cây xà cừ, những ảnh hưởng của sinh hóa thổ nhưỡng, ảnh hưởng đối với đô thị... từ đó, đưa ra giải pháp, phương án xử lý nhằm đạt được sự đồng thuận cao trong nhân dân.