Tránh tình trạng luật ban hành xa rời thực tiễn cuộc sống
Đời sống - Ngày đăng : 06:56, 01/06/2017
Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn TP Hà Nội), do tình hình xã hội thay đổi nhanh, dự liệu của các ngành chưa theo kịp nên nhiều luật chưa được ban hành, điều chỉnh kịp thời. Tới đây, cần cân nhắc kỹ việc luật nào nên xây dựng trước, mang lại lợi ích ra sao, bám sát nhu cầu của đời sống như thế nào nhằm tránh việc xây dựng luật như một công trình hàn lâm nhưng xa rời thực tiễn cuộc sống. Đại biểu cũng lưu ý việc nâng cao chất lượng đội ngũ xây dựng luật, cần huy động được đội ngũ có chuyên môn giỏi, nhiều kinh nghiệm tham gia, qua đó góp phần nâng cao chất lượng các dự án luật.
Thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018, các đại biểu đã nêu ý kiến xung quanh việc lựa chọn chuyên đề, thời điểm giám sát nhằm tránh sự trùng lặp, bất hợp lý. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, cần cân nhắc thêm tính hợp lý khi lựa chọn chuyên đề giám sát cũng như thời điểm giám sát. Năm 2018, Quốc hội đề xuất 4 nội dung giám sát cụ thể, trong đó có chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội. Đây là những chuyên đề cần thiết, song cần cân nhắc thêm về vấn đề thời điểm giám sát năm 2018 chưa bảo đảm tính hợp lý.
Bởi tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã xem xét thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn, các cơ quan Quốc hội đã tiến hành nhiều hoạt động giám sát, đánh giá kết quả kế hoạch đầu tư công trung hạn, trong đó có vốn trái phiếu chính phủ và nguồn ODA. Ngoài ra, dù đã thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn, nhưng đến thời điểm hiện nay, việc phân bổ vốn chưa hoàn thành nên thực hiện giám sát vào thời điểm năm 2018 sẽ chưa đầy đủ, lùi thời điểm giám sát đến năm 2019-2020 sẽ phù hợp hơn...