Hai nhóm vấn đề mấu chốt
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:50, 02/06/2017
Trước mắt, khoảng 50 bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 thuộc Bộ Y tế và thuộc các bộ, ngành sẽ điều chỉnh tăng. Cũng theo lộ trình, các tỉnh trên toàn quốc sẽ thực hiện vào các tháng 8, 10 và tháng 12-2017. Trong đó, tháng 8, TP Hà Nội sẽ triển khai.
Phải khẳng định rằng việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo nội dung Thông tư 02 là cần thiết, qua đó tạo điều kiện cho các cơ sở khám, chữa bệnh (của Nhà nước) bảo đảm cân đối thu - chi, tái đầu tư cho cơ sở vật chất, cải thiện thu nhập của đội ngũ cán bộ, bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng... Việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ cũng nhằm bảo đảm công bằng giữa cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước với các đơn vị tư nhân, đơn vị đầu tư theo hình thức đối tác công tư...
Dù vậy, có hai nhóm vấn đề mấu chốt rất đáng chú ý, cần được giải quyết một cách thấu đáo, bởi nếu không có thể quá trình thực hiện Thông tư số 02 sẽ xảy ra một số "tác dụng phụ".
Thứ nhất, dịch vụ y tế là một loại dịch vụ đặc biệt, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người. Người đến thăm khám nói chung, người đến thăm khám không sử dụng thẻ bảo hiểm y tế nói riêng, là “khách hàng” đặc biệt của cơ sở thăm khám, điều trị. Việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ tất yếu phải gắn liền với tăng chất lượng dịch vụ. Nói cách khác, các cơ sở y tế phải nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, không chỉ với bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế mà cả với những "khách hàng" tự chi trả.
Thứ hai, do đối tượng áp dụng - là "khách hàng" - của Thông tư 02, bao gồm người bệnh chưa tham gia bảo hiểm y tế, người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế nhưng đi khám, chữa bệnh hoặc sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế nên một vấn đề quan trọng đặt ra là cần giảm thiểu số người bị ảnh hưởng (bởi việc điều chỉnh tăng) theo hướng tiêu cực như bị nghèo hóa, không có khả năng chi trả...
Đến thời điểm này, cả nước có khoảng 82% dân số, với gần 76 triệu người, có thẻ bảo hiểm y tế. Như vậy, chính người dân - những người trong diện gần 20% chưa tham gia bảo hiểm y tế, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, cần chủ động tham gia. Bên cạnh đó, vấn đề rất đáng lưu tâm nữa là trong số người đã tham gia bảo hiểm y tế, rất nhiều người là người nghèo, cận nghèo... Việc hỗ trợ đối tượng này khi họ đi khám bệnh, chữa bệnh hoặc sử dụng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế là điều các cơ quan chức năng, các địa phương phải tính đến.
Thông tư 02, ở khía cạnh nào đó, tạo áp lực để người dân tham gia bảo hiểm y tế, qua đó có thêm cơ hội được chăm sóc, điều trị khi cần. Nhưng điều này cũng đặt ra yêu cầu cơ quan chức năng phải có giải pháp hiệu quả bảo đảm quyền lợi người tham gia, đặc biệt không để kéo dài tình trạng trục lợi quỹ có lúc, có nơi... rất thô bạo.
Giải quyết tốt hai nhóm vấn đề mấu chốt nêu trên, chắc chắn việc thực hiện Thông tư 02 sẽ không có “tác dụng phụ”.