Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện tuân thủ đúng quy trình chạy thận nhân tạo

Sức khỏe - Ngày đăng : 20:46, 02/06/2017

(HNMO) - Tối 2-6, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn khẩn số 730/KCB-NV gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố, bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và cơ sở y tế của các bộ, ngành về việc bảo đảm an toàn cho người bệnh chạy thận nhân tạo.

Các bác sĩ tích cực cứu chữa cho bệnh nhân cuối cùng đang trong tình trạng nguy kịch tại Hòa Bình.


Theo đó, chạy thận nhân tạo chu kỳ (lọc máu chu kỳ) tại Việt Nam đã triển khai từ rất nhiều năm nay. Hiện có hàng nghìn lượt người bệnh chạy thận nhân tạo chu kỳ mỗi ngày tại các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh và tại một số bệnh viện tuyến huyện an toàn, hiệu quả. Tuy vậy, ngày 29-5, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã xảy ra sự cố y khoa, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khiến 18 người đang chạy thận có biểu hiện sốc phản vệ, trong đó đã có 7 trường hợp tử vong. Hiện nay, Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình và Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai... đang tích cực giải quyết các vấn đề chuyên môn liên quan và cùng các cơ quan chức năng tìm nguyên nhân dẫn đến sự cố nghiêm trọng này.

Để phòng tránh các sự việc tương tự, Cục Quản lý khám chữa bệnh đề nghị các đơn vị trực tiếp thực hiện chạy thận nhân tạo hoặc chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc có chạy thận nhân tạo tuân thủ đúng Hướng dẫn quy trình lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật thận nhân tạo được ban hành kèm theo Quyết định số 3592/QĐ-BYT ngày 11-9-2014, Hướng dẫn Quy trình kỹ thuật rửa và sử dụng lại quả lọc thận ban hành kèm theo Quyết định số 1338/2004/QĐ-BYT ngày 14-4-2004 của Bộ trưởng Bộ Y tế, các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, rà soát toàn bộ các bước chuẩn bị máy thận nhân tạo, dịch lọc thận, hệ thống xử lý nước, quả lọc thận, dây máu, kim chọc, các loại thuốc chống đông, hộp thuốc chống phản vệ, quy trình vận hành máy, hồ sơ bệnh án và các nội dung liên quan khác đến chạy thận nhân tạo.

Chiều 2-6, đoàn bác sĩ do GS.TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) đã đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình hội chẩn trực tiếp và tìm phương án đưa bệnh nhân Nguyễn Thị Bích Nguyên (45 tuổi ở Hòa Bình) - bệnh nhân còn lại trong sự cố y khoa nghiêm trọng khiến 7/18 người lọc máu chạy thận tử vong vẫn đang trong tình trạng nguy kịch về Hà Nội.

Theo GS.TS Nguyễn Gia Bình, bệnh nhân Nguyên bị suy cùng lúc 6 tạng, tổn thương các cơ, rối loạn đông máu... Hiện bệnh nhân đang chuyển sang giai đoạn nhiễm độc, tình trạng suy gan nặng hơn, kèm theo xuất huyết tiêu hóa. Từ ngày 29-5 đến nay, bệnh nhân đã có 2 lần ngừng tim, ngừng tuần hoàn. Hiện các chỉ số về sinh tồn gần như bằng 0, nhưng các chuyên gia hàng đầu Việt Nam về hồi sức tích cực, cấp cứu, chống độc… vẫn rất nỗ lực với hy vọng cải thiện tình trạng bệnh nhân.

Những ngày qua, 5 bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai luôn trực tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình để hội chẩn, theo dõi. Bệnh nhân cũng được tiến hành đặt máy ECMO (kỹ thuật hồi sức đặc biệt), đồng thời liên tục được lọc máu và lọc huyết tương. Ước tính chi phí điều trị cho bệnh nhân này lên tới 100 triệu/ngày. Các chuyên gia đang cân nhắc việc có thể sử dụng một loại xe chuyên dụng để chở cả người bệnh và thiết bị bảo đảm việc vận hành điều trị cho bệnh nhân trong quá trình từ Hòa Bình về Hà Nội.

Trước đó, như Báo Hànộimới Điện tử đã đưa tin, vụ tai biến trong khi chạy thận tại Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình sáng 29-5 khiến 18 người xuất hiện triệu chứng sốc phản vệ, trong đó có 7 người tử vong...

Gia Phong