Nở rộ chương trình thiếu nhi: Bài toán về chất lượng
Văn hóa - Ngày đăng : 14:52, 02/06/2017
“Tiệc” vẫn đủ món
Ngay từ cuối tháng 5, các đơn vị nghệ thuật, nhà hát đã “tung” ra thị trường giải trí những sản phẩm mới dành cho thiếu nhi nhằm “đón đầu” ngày Quốc tế Thiếu nhi và những tháng hè.
Chương trình "Vương quốc Xì trum". |
Nhà hát Tuổi trẻ - đơn vị có truyền thống về các chương trình cho trẻ em giới thiệu cùng lúc 3 sản phẩm sân khấu: hoạt cảnh ca múa nhạc “Cuộc phiêu lưu của Gà trống choai” do Đạo diễn - NSƯT Đức Hải dàn dựng; vở kịch thần thoại “Mảnh Lego màu đỏ"; vở kịch “Con chim xanh” - kết quả hợp tác giữa Nhà hát Tuổi trẻ và phái đoàn Wallonie-Bruxelles. Không chỉ được biểu diễn vào dịp Quốc tế Thiếu nhi, những tác phẩm sân khấu dành cho trẻ nhỏ còn được biểu diễn liên tục trong các tháng hè trong khuôn khổ dự án “Thiên đường tuổi thơ”, định kỳ vào sáng chủ nhật hằng tuần.
Chào hè 2017, Nhà hát Múa rối Việt Nam khai màn chương trình thiếu nhi rất sớm, từ ngày 15-5 và kéo dài đến hết ngày 6-6 với ba chương trình rối cạn: “Aladdin và cây đèn thần”, “Nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn” và “Chuyện nhà Cám”. Theo NSND Nguyễn Tiến Dũng - lãnh đạo Nhà hát, trung bình có 7-8 suất/ngày của ba đoàn.
Không chịu kém cạnh, Nhà hát Múa rối Thăng Long xây dựng chương trình nghệ thuật nhiều màu sắc “Bé ơi vui khỏe!” với chuỗi tiết mục hấp dẫn trẻ em như: Chú ếch xanh, chó đốm Idol, người nhện oai hùng… Ban lãnh đạo Nhà hát hy vọng, bên cạnh chương trình rối nước truyền thống diễn ra quanh năm thì chương trình nghệ thuật dành cho trẻ em sẽ làm phong phú, đa dạng thêm danh mục biểu diễn của Nhà hát.
Nhiều công ty, nghệ sĩ cũng không bỏ lỡ cơ hội “hốt bạc”, tung ra những sản phẩm sân khấu mang tính xã hội hóa. Chuỗi ba vở kịch thiếu nhi do VIETART tổ chức đến hết ngày 1-6; chương trình “Vương quốc Xì trum” của Công ty Văn hóa nghệ thuật giải trí Đông Đô ra mắt từ ngày 27-5 cho đến hết ngày 1-6 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô; chương trình xiếc “Cướp biển” của Nhà hát Star Galaxy và Liên đoàn Xiếc Việt Nam... nằm trong số những sản phẩm tạo được hiệu ứng xã hội tốt.
Chương trình của Nhà hát Múa rối Việt Nam. |
Bài toán chất lượng và kinh doanh
Năm nay, dù sân khấu thiếu nhi ở Thủ đô Hà Nội sáng đèn khá sớm nhưng có thể thấy, bên cạnh những chương trình mang tính truyền thống do các đơn vị nghệ thuật “quen mặt” tổ chức thì vẫn thiếu những chương trình mang tính đột phá, mới mẻ. Các chương trình vẫn chủ yếu là những “món” đã quen thuộc với trẻ nhỏ như: Hài kịch, múa rối, ca múa nhạc, xiếc, tạp kỹ, hoạt cảnh…
Theo bà Nguyễn Thị Hoài Oanh, Giám đốc Công ty tổ chức biểu diễn và nghệ thuật Đông Đô, năm nay, sân khấu thiếu nhi sôi động nhưng thiếu hấp dẫn so với những năm trước. Nếu như năm ngoái, Đông Đô sản xuất được 3 – 4 chương trình, vừa có ca múa nhạc, hài kịch, vừa có ảo thuật, xiếc, nghệ sĩ bong bóng Fan Yang… thì năm nay, công ty chỉ tổ chức một chương trình là “Vương quốc Xì trum” và cũng chỉ thu hút được 10.000 khán giả trong 6 ngày biểu diễn. Lý giải về việc sân khấu thiếu nhi có xu hướng thiếu sức hút với trẻ nhỏ, bà Hoài Oanh chia sẻ, việc sản xuất các chương trình cho thiếu nhi gặp nhiều khó khăn do thời gian biểu diễn có thời vụ, nghệ sĩ không có nhiều thời gian để tập luyện. Một yếu tố quan trọng khác là đề tài biểu diễn cho trẻ em đang dần cạn, sự sáng tạo trong các sản phẩm giảm, không còn nhiều yếu tố bất ngờ như trước.
NSƯT Xuân Bắc cũng thừa nhận, năm nay do bận nhiều công việc, anh và NSND Tự Long không có nhiều thời gian đầu tư, trau chuốt cho sân khấu thiếu nhi. Hai nghệ sĩ chỉ kịp ra tiểu phẩm “Truyền thuyết Spiderman” với mô tuýp quen thuộc là những siêu anh hùng.
Sân khấu dành cho trẻ em là mảnh đất màu mỡ mà các đơn vị nghệ thuật đã khai thác nhiều năm qua, ít nhiều gặt hái thành công. Tuy nhiên, với nhu cầu giải trí ngày càng cao của trẻ nhỏ, những chương trình biểu diễn nếu không có sự mới mẻ, thay đổi về phong cách trình diễn, câu chuyện truyền tải thì sẽ khó thu hút thiếu nhi. Bài toán giữa kinh doanh và nghệ thuật cần phải được giải song hành thì mới có thể tạo được sức bền lâu dài. Bởi đôi khi, số lượng chương trình không tỉ lệ thuận với chất lượng.