Trở ngại trong chăn nuôi an toàn sinh học
Kinh tế - Ngày đăng : 07:07, 02/06/2017
Hướng đi tất yếu
Trước những khó khăn trong chăn nuôi lợn công nghiệp, từ tháng 1-2017, Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi dịch vụ thủy sản Tiên Ninh xã Tiên Phong, huyện Ba Vì đã chuyển hướng sang chăn nuôi an toàn sinh học và hữu cơ. Toàn bộ khu chuồng trại mới xây của HTX đều sử dụng đệm lót sinh học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, thức ăn do HTX tự mua nguyên liệu như cám mì, khô dầu đậu tương, ngô… về phối trộn. Đến nay, HTX đang nuôi 300 con lợn hữu cơ và theo kế hoạch sẽ tăng quy mô lên 1.000 con lợn vào cuối năm nay.
Tương tự, cách đây 2 năm, HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm ở xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai đã tham gia mô hình chăn nuôi lợn bằng thức ăn sinh học do Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội hỗ trợ. Ông Nguyễn Đình Tường, Giám đốc HTX cho biết: Hiện quy mô chăn nuôi của HTX khoảng 2.000 con lợn/lứa, có khu giết mổ tập trung với công suất từ 15 đến 20 con/ngày; thịt lợn sau khi giết mổ được đóng gói, bảo quản ở nhiệt độ mát hoặc cấp đông để bảo đảm chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Tạ Văn Tường: Ngành chăn nuôi Hà Nội đã và đang đẩy mạnh công tác tư vấn, hỗ trợ các mô hình chăn nuôi muốn chuyển đổi từ truyền thống, công nghiệp sang hữu cơ, an toàn sinh học. Hiện trên địa bàn thành phố có hàng trăm mô hình chăn nuôi sinh học và hữu cơ được hình thành. Tuy nhiên, mô hình này cũng gặp không ít khó khăn, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi gà đồi Ba Vì cho biết: Hiện quy mô chăn nuôi của Hội khoảng 1 triệu con/năm nhưng tỷ lệ tiêu thụ qua giết mổ tập trung, có tem nhãn sản phẩm chỉ chiếm 20%, còn 80% sản phẩm vẫn phải bán qua thương lái, giá cả bấp bênh. Không riêng hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Ba Vì tỏ ra lúng túng với việc hợp quy, công bố chất lượng sản phẩm cũng như đầu ra thiếu ổn định mà nhiều mô hình chăn nuôi hữu cơ, an toàn sinh học ở các huyện Phú Xuyên, Quốc Oai, Ứng Hòa… cũng trong tình trạng tương tự.
Cần sớm đưa ra bộ tiêu chí chuẩn
Lý giải thực trạng trên, ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho rằng: Do chưa có hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và khung pháp lý đồng bộ cho sản xuất, chứng nhận, giám sát chất lượng sản phẩm hữu cơ, an toàn sinh học nên lòng tin của người tiêu dùng chưa cao… Trong khi doanh nghiệp, tập đoàn lớn hầu hết đã áp dụng các tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế để sản xuất, thì các nhóm hộ nông dân, HTX chủ yếu sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn của hệ thống dựa trên cơ sở tự nguyện...
Bà Phan Thị Hải Yến, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Vì nhấn mạnh, để thúc đẩy sản xuất an toàn, hữu cơ theo hướng đặc sản vùng miền, cần sớm đưa ra bộ tiêu chuẩn về hữu cơ Việt Nam để nông dân thống nhất áp dụng, đồng thời hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm. Huyện Ba Vì hiện chỉ có một cửa hàng tiêu thụ nông sản an toàn tại thị trấn Tây Đằng và một cửa hàng tiêu thụ gà đồi Ba Vì ở nội thành nên chưa đáp ứng so với quy mô chăn nuôi an toàn sinh học, hữu cơ trên địa bàn.
Thời gian tới Bộ NN&PTNT sẽ hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất, chế biến, chứng nhận chất lượng; thanh tra, giám sát việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ, giúp người tiêu dùng an tâm khi sử dụng. Bộ NN&PTNT cũng sẽ tham mưu Chính phủ xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2018-2025. Về phía ngành Nông nghiệp Hà Nội, đi đôi với hỗ trợ sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông về sản phẩm chăn nuôi sinh học và hữu cơ để người tiêu dùng hiểu rõ và có sự lựa chọn.