Chủ động giảm mức nhập siêu

Kinh tế - Ngày đăng : 07:13, 02/06/2017

(HNM) - Việt Nam đang hướng tới mục tiêu cân bằng cán cân xuất - nhập khẩu và điều đó phụ thuộc vào khả năng làm chủ tình hình, giảm thiểu mức nhập siêu.

Tình trạng nhập siêu 5 tháng đầu năm 2017 chủ yếu nằm ở khu vực doanh nghiệp trong nước cho thấy, ngoài những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, mỗi doanh nghiệp cần chủ động "nhập cuộc" mới mong lấy lại cân bằng cho cán cân xuất - nhập khẩu.

Dây chuyền sản xuất tại Công ty cổ phần Xích líp Đông Anh. Ảnh: Hải Linh


Nhập siêu vẫn ở ngưỡng an toàn

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu cả nước trong 5 tháng đầu năm đạt 79,3 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đóng góp vào kết quả khả quan này là một số mặt hàng quan trọng, có mức phát triển đáng kể như dệt may, điện thoại và linh kiện, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, cà phê... Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 82 tỷ USD, tăng gần 24% so với cùng kỳ. Nhiều loại thiết bị, máy móc, dây chuyền sản xuất và nguyên liệu, vật tư đều tăng khá mạnh do nhu cầu sản xuất trong nước gia tăng. Như vậy, tính chung nền kinh tế đã nhập siêu hơn 2,7 tỷ USD, bằng 3,4% kim ngạch xuất khẩu.

Nếu xét ở góc độ con số nêu trên thì nhập siêu không lớn và đang ở mức an toàn, chưa đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu xét về cơ cấu tính theo khu vực thì lộ rõ có "vấn đề". Thực tế cho thấy, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã xuất siêu 7,65 tỷ USD giá trị hàng hóa trong 5 tháng qua, tiếp tục đặt dấu ấn thành công và dẫn dắt hoạt động xuất khẩu nói chung. Ngược lại, các doanh nghiệp trong nước nhập siêu tới 10,36 tỷ USD giá trị hàng hóa. Điều này cho thấy, khu vực doanh nghiệp nội địa là nguyên nhân trực tiếp gây ra vấn đề nhập siêu của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng bộc lộ không ít hạn chế. Một tỷ lệ lớn doanh nghiệp vẫn trong tình trạng thiếu vốn cho đầu tư mở rộng, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nguồn lực con người, đặc biệt là kỹ năng quản trị kinh doanh, tiếp thị, kiến thức pháp luật và thương mại quốc tế... chưa được cập nhật theo chuẩn quốc tế. Hiện, công nghệ sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam đi sau doanh nghiệp nhiều nước trong khu vực khoảng 2 - 3 thế hệ. Giá trị gia tăng trong sản phẩm "Made in Vietnam" cũng chậm được cải thiện, hiện thấp hơn từ 2 đến 5 lần so với sản phẩm cùng loại của nhiều nước. Các tập đoàn, tổng công ty lớn đến nay vẫn chủ yếu sản xuất đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước nên chưa đóng góp được nhiều vào tổng kim ngạch xuất khẩu...

Doanh nghiệp cần nỗ lực, chủ động nhập cuộc

Từ thực tế trên, cần xác định một số giải pháp thiết thực, dựa trên mục tiêu gia tăng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước. Đó là, khuyến khích doanh nghiệp dân doanh phát triển sản phẩm phù hợp, tinh xảo nhắm vào thị hiếu tiêu dùng ở các thị trường giàu tiềm năng. Đơn cử, nên tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa đối với các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu, trong đó hướng mạnh vào thị trường EU và Mỹ vốn có nhiều tiềm năng và sức mua lớn. Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng cần theo dõi diễn biến, yêu cầu của các thị trường, nắm bắt những yêu cầu, quy định mang tính chất bắt buộc của đối tác nhập khẩu để thông tin, cảnh báo cho doanh nghiệp biết, thực hiện một cách nghiêm túc.

Đơn cử, một hội nghị vừa diễn ra tại Hà Nội, với nội dung tuyên truyền và khuyến cáo doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu phải tuân thủ quy định là sẵn sàng minh bạch và thực hiện khai báo xuất xứ nguồn gỗ đầu vào để chế biến sản phẩm xuất khẩu, theo nguyên tắc phải bảo đảm nguồn hợp pháp. Các đơn vị thực hiện tốt quy định này sẽ có cơ hội mở rộng quy mô xuất khẩu, nâng cao uy tín và hướng tới chiến lược lâu dài.

Tiếp theo, các doanh nghiệp trong nước cần chủ động quảng bá hình ảnh, tìm cách hợp tác và sẵn sàng trở thành đơn vị vệ tinh - nhà cung cấp linh kiện cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhất là với doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc khi họ đang tập trung mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu ra thế giới. Làm được như vậy, doanh nghiệp nội sẽ có cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua xuất khẩu tại chỗ, đồng thời kết hợp tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới, hiện đại.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, doanh nghiệp nội nên nghiên cứu, xác lập phân khúc thị trường và sản phẩm phù hợp rồi huy động vốn, tập trung đầu tư thay đổi công nghệ của dây chuyền sản xuất; từ đó nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và chủ động tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Nếu không làm được như vậy, doanh nghiệp nội sẽ chỉ quanh quẩn với thói quen cũ, tìm thu nhập bằng lao động rẻ.

Cuối cùng, Chính phủ, các bộ, ngành cần tiếp tục kiên trì chủ trương vì doanh nghiệp, sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp từ khi khởi nghiệp đến rút lui khỏi thị trường và làm tốt vai trò kiến tạo. Tất cả nhằm hướng tới mục tiêu cải thiện khả năng xuất khẩu, giảm thiểu mức nhập siêu của khu vực doanh nghiệp trong nước. Việc chuẩn bị thông qua và ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ là một chuyển biến tích cực, là chỗ dựa của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Hồng Sơn