Để kỳ nghỉ hè an toàn, bổ ích
Xã hội - Ngày đăng : 07:46, 03/06/2017
Lớp dạy bơi cho trẻ tại bể bơi quận Hà Đông. Ảnh: Thái Hiền |
Nhu cầu lớn
Những ngày qua, chị Phạm Ánh Tuyết (phường Ngọc Thụy, Long Biên) đau đầu tính toán các phương án sử dụng thời gian nghỉ hè cho hai đứa con. Cậu anh vừa học xong lớp 4, cô em vừa hết lớp 3, nên gửi con về quê với ông bà, hay cho con ở lại Hà Nội theo học kỹ năng sống ở các trung tâm, tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao, bổ túc văn hóa hè tại địa phương? Suy đi tính lại, chị Tuyết quyết định cho con học kỹ năng sống 3 buổi/tuần, những ngày còn lại, học một số môn nghệ thuật ở Cung Thiếu nhi Hà Nội, dù tiền đóng học khá tốn kém.
Cũng cùng băn khoăn trên, nhưng chị Nguyễn Thị Thúy (ở phố Nguyễn Ngọc Vũ, phường Trung Hòa) lại quyết định cho con tham gia các chương trình hoạt động hè ngay tại phường, do Đoàn Thanh niên tổ chức. Chị Thúy khẳng định, từ hai năm qua, hoạt động chăm sóc giáo dục thiếu nhi trong dịp hè của Đoàn Thanh niên phường khá phong phú, bổ ích, trong đó có học bổ túc văn hóa, văn nghệ, thể thao, nữ công gia chánh, kỹ năng sơ cứu thương, phòng chống xâm hại... Chưa kể môi trường sinh hoạt hè tại địa phương còn giúp phụ huynh đỡ công đưa đón, tiết kiệm chi phí so với tham gia hoạt động hè tại các trung tâm.
Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ em đều có được sự may mắn như con của chị Tuyết, chị Thúy. Theo số liệu của Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế), dịp hè hằng năm luôn là thời điểm gia tăng các vụ tai nạn thương tích, đuối nước.
Thực trạng này vẫn tồn tại vì nhu cầu về chỗ vui chơi an toàn, lành mạnh cho trẻ em còn rất hạn chế. Ví dụ như tại huyện Ba Vì, theo bà Phan Thị Hoa, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện cho biết, toàn huyện có 31 xã, nhưng chỉ có 2 bể bơi, gần chục sân chơi quy mô nhỏ. Ở các quận, huyện khác, con số này không khác là bao. Ở cấp thành phố, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội đồng đội thành phố Nguyễn Khánh Bình cho biết, dù cố gắng bằng biện pháp xã hội hóa, 3 năm qua cũng mới chỉ có gần 100 sân chơi cho trẻ em trên địa bàn các quận, huyện được xây dựng. Còn theo thống kê của Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em Hà Nội, hiện toàn thành phố có 2.184 điểm vui chơi cho trẻ em trong đó chỉ có 787 điểm vui chơi có trang thiết bị, chiếm 36%. Điều này cho thấy khả năng đáp ứng của các điểm vui chơi là quá nhỏ so với nhu cầu của hàng chục nghìn trẻ.
Chất lượng vẫn là quan trọng
Rõ ràng, việc sắp xếp thế nào để con em mình có một kỳ nghỉ hè bổ ích, an toàn là mong muốn của mọi phụ huynh. Nhưng trên thực tế không phải gia đình nào cũng có điều kiện thực hiện. Chỉ cần vào mạng internet hay đến bất cứ trung tâm văn hóa thiếu nhi nào dù công hay tư cũng có danh mục hàng chục môn học gồm các loại hình nghệ thuật, kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử, giao tiếp... Đó là chưa kể những trung tâm chuyên tổ chức khóa học hè kết hợp dã ngoại trong và ngoài nước, hay các chương trình trải nghiệm hè, học kỳ quân đội…
Trước “bức tranh đa sắc màu” về hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ em trong dịp hè này, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội TP Hà Nội Nguyễn Khánh Bình khẳng định: Chúng tôi đã chỉ đạo 100% cơ sở Đoàn, Đội, đơn vị sự nghiệp trực thuộc tổ chức triển khai hoạt động hè cho trẻ em đồng bộ, rộng khắp và phù hợp tình hình thực tế của từng đơn vị, bảo đảm đầy đủ các yêu cầu: Vui, an toàn, thiết thực, hấp dẫn, hiệu quả. Bên cạnh đó là chỉ đạo 100% Hội đồng Đội các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện mô hình “Sân chơi cuối tuần” cho các em gắn với dạy kiến thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích, xâm hại tình dục trẻ em; tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí, các hoạt động dã ngoại cho các em đến với các địa danh lịch sử, về nguồn, tôn tạo các khu di tích lịch sử văn hóa nhằm giáo dục trẻ về tình yêu quê hương, đất nước...
Chủ đề “Tháng hành động vì trẻ em” năm nay là “Triển khai Luật Trẻ em và Phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”, thời gian thực hiện từ ngày 1-6 đến 30-6. UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch, chỉ đạo các địa phương tổ chức hoạt động truyền thông về Luật Trẻ em, về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; tiến hành cải tạo môi trường sống, bảo đảm an toàn cho trẻ tại gia đình, nhà trường và cộng đồng.
Trong dịp hè, các quận, huyện của thành phố sẽ mở nhiều cuộc thi với chủ đề về Luật Trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em (viết, sáng tác thông điệp về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; tổ chức các lớp dạy kỹ năng sống cung cấp kiến thức, kỹ năng cho trẻ em biết tự bảo vệ mình trước các nguy cơ bị xâm hại...); đầu tư kinh phí xây dựng hoặc nâng cấp sửa chữa, bổ sung trang thiết bị vui chơi cho trẻ em ở ít nhất 5 điểm vui chơi tại cộng đồng (ưu tiên cho các địa bàn khó khăn). Bên cạnh đó, là các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí an toàn, lành mạnh, thu hút sự tham gia của trẻ em tại địa bàn dân cư trong “Tháng hành động Vì trẻ em” nói riêng, kỳ nghỉ hè nói chung.