Lấy bền vững làm mục tiêu phát triển
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:55, 04/06/2017
Vì vậy, sự giằng co giữa phát triển và bảo tồn là hiển nhiên. Vấn đề đặt ra là tìm điểm gặp gỡ chung nhất để có thể vừa đáp ứng yêu cầu phát huy tiềm năng, nguồn lực này thành nguồn lợi kinh tế cho đất nước vừa giữ gìn, bảo đảm nguồn tài nguyên quý giá ấy không bị suy thoái, xuống cấp, cạn kiệt.
Quan điểm này được thể hiện rõ trong Nghị quyết 08-NQ/TƯ của Bộ Chính trị ngày 16-1-2017 về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cụ thể, "phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên...". Trước đó, tại Đại hội lần thứ XII, Đảng ta cũng khẳng định: “Có chính sách phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn” nhưng đồng thời phải “Quy hoạch, quản lý và khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên quốc gia”.
Không phải ngẫu nhiên, trong nhiệm vụ nêu trên, mở đầu là yếu tố “quy hoạch” và chốt chặn là sự “bền vững”.
Nhìn lại hàng loạt vụ việc gần đây về phát triển du lịch bằng tiềm năng di sản càng thấy rõ ý nghĩa của những nội dung này. Việc phải tạm dừng dịch vụ chèo thuyền kayak trên vịnh Hạ Long, rồi lại cấp phép cho khai thác trở lại… là bởi hoạt động này chưa được quy hoạch tổng thể cùng với loại hình dịch vụ khác; chưa có trong quy hoạch chi tiết bảo tồn và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long đến 2020. Những lúng túng, băn khoăn về việc lắp thang phục vụ khám phá hang Sơn Đoòng cũng vậy.
Rồi phản ứng của các chuyên gia về những dự án tại Khu du lịch quốc gia Sơn Trà, Đà Nẵng đã cho thấy, ngay cả khi đã có quy hoạch thì việc thực hiện cũng đòi hỏi sự tuân thủ chặt chẽ, trong đó yếu tố “hợp lý, hiệu quả, bền vững” phải được xem là nòng cốt, có tính định hướng và quyết định trong giải quyết những băn khoăn, xung đột.
Để làm được điều này, mục tiêu bền vững phải được thể hiện bằng các quy hoạch tổng thể và chi tiết; ngay từ trong hoạt động quản lý các cấp khi xem xét, cấp phép các dự án phát triển du lịch khai thác di sản văn hóa và thiên nhiên tại địa phương mình. Tuy nhiên, để định lượng được các tiêu chí liên quan đến bền vững thì việc tham vấn, hội thảo lấy ý kiến chuyên gia phải được tổ chức sâu sắc và thực chất, trước khi xảy ra xung đột.
Cũng không chỉ có nhà quản lý và doanh nghiệp, nhà khoa học, chuyên gia có trách nhiệm mà ngay cả khách du lịch cũng phải đóng góp vào việc phát triển du lịch bền vững trên cơ sở bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản. Trong đó, đơn giản nhất là tuân thủ các quy định khi tham quan, khám phá các di sản văn hóa và thiên nhiên. Bền vững trong khai thác di sản để phát triển du lịch cũng cần được củng cố trong cộng đồng, nhất là trong môi trường học đường…
Di sản thiên nhiên, văn hóa là tài sản quốc gia, là nguồn lực thúc đẩy kinh tế, nhưng sẽ không phải là “bất biến”. Giữ được yếu tố bền vững trong phát triển du lịch về di sản chính là bảo đảm cho mỗi doanh nghiệp, mỗi địa phương và cả quốc gia những cơ hội để có thể không ngừng phát triển.