“Quyền lực mềm” hữu hiệu
Thế giới - Ngày đăng : 07:24, 04/06/2017
Thủ tướng Ấn Độ N.Modi (bên phải) trong chuyến thăm Đức ngày 29-5. |
Được đánh giá là táo bạo, tiên phong và đổi mới, suốt 3 năm qua, đường lối ngoại giao dựa trên 5 trụ cột chính, gồm: Phẩm giá và danh dự; đối thoại và phối hợp lớn hơn; thịnh vượng; an ninh khu vực và toàn cầu; các mối liên kết văn hóa và văn minh đã mang lại cho Ấn Độ không ít thành công, mở ra một lộ trình ổn định, bền vững trong hoạt động thương mại toàn cầu những năm tới.
Nói một cách khác, đường hướng ngoại giao này là mục tiêu đầy tham vọng của Thủ tướng N.Modi khi muốn tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu lên 900 tỷ USD trong 5 năm nhiệm kỳ của ông. New Delhi cũng muốn tăng thị phần xuất khẩu của Ấn Độ trên thị trường toàn cầu từ mức 2% lên 3,5%.
Không như những người tiền nhiệm, ông N.Modi coi chính sách đối ngoại như một đòn bẩy quan trọng để cải tổ nền kinh tế vốn suy yếu do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi thời gian gần đây, Ấn Độ liên tục thúc đẩy quan hệ đối với các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản cũng như gia tăng vai trò trong các diễn đàn đa phương như: Nhóm 20 nước có nền kinh tế phát triển (G20), Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC)... Trong tháng 6 này, Ấn Độ sẽ chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) do Nga và Trung Quốc đứng đầu.
Mục tiêu phát triển kinh tế là trọng tâm nên trong các chuyến công du nước ngoài của Thủ tướng N.Modi, New Delhi luôn tìm kiếm các nhà đầu tư hoặc cơ hội để mở rộng quan hệ hợp tác về thương mại, cải thiện sự tiếp cận của Ấn Độ đối với nguồn vốn, công nghệ, năng lượng và các nguồn tài nguyên khác. Chuyến thăm Châu Âu lần này cũng vậy, hàng loạt thỏa thuận hợp tác đã được ký kết.
Tại Nga, Mátxcơva đã cam kết giúp New Delhi xây dựng 2 lò phản ứng cuối cùng trong nhà máy điện hạt nhân lớn nhất của Ấn Độ. Bên cạnh đó là những thỏa thuận đầu tư về khoa học và công nghệ, đường sắt, trao đổi văn hóa và các lĩnh vực kinh doanh khác. Tại Đức, Pháp và Tây Ban Nha, tuyên bố hợp tác về an ninh mạng, kỹ thuật hàng không dân dụng, quản lý ứng dụng kỹ thuật số... cũng đã được các nhà lãnh đạo đưa ra.
Mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, Ấn Độ đã "vượt mặt" Trung Quốc trong cuộc đua tăng trưởng nhờ con số tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt mức 7,4% và đặc biệt là lạm phát đã được kìm hãm ở mức 5% cho cả năm 2016. Nguyên nhân chủ đạo nằm ở chỗ các nhà lãnh đạo Ấn Độ đã đi đúng hướng trong chính sách quan hệ quốc tế và chọn cách phát triển một cách bền vững thay vì chạy theo tốc độ.
Theo dự đoán của IMF, trong giai đoạn 2017-2022, nền kinh tế Ấn Độ sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 9,9% mỗi năm và sau 5 năm nữa, nước này có thể vượt Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn dự đoán, với đà này kinh tế Ấn Độ có thể vượt qua Mỹ trước năm 2030.
Trong tuyên bố tranh cử năm 2014, Thủ tướng N.Modi đã cam kết sẽ đưa Ấn Độ lên vị trí xứng đáng trong khu vực và quốc tế. Theo nhận định của các nhà phân tích, thông qua nỗ lực kết nối ngoại giao tích cực suốt 3 năm qua, ông N.Modi đã thực sự nâng cao được vị thế của Ấn Độ trong cái nhìn của các đối tác toàn cầu. Điều này là động lực để ông N.Modi tiếp tục tìm kiếm những bước đi bứt phá cho quốc gia có số dân đông thứ 2 thế giới bằng cách sử dụng sức mạnh ngoại giao, vốn được nhiều quốc gia coi như "quyền lực mềm" đầy hữu hiệu.