Một dự án cộng đồng thiết thực

Đời sống - Ngày đăng : 07:33, 04/06/2017

(HNM) - Khi mới nghe tới phương pháp nghiên cứu cùng cộng đồng, nhiều người sẽ liên tưởng tới những khái niệm ở tầm vĩ mô, khó thực hiện. Tuy nhiên, đây lại là một hoạt động mang lại những hiệu quả rất thiết thực của dự án “Tăng cường sự tham gia và tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số” do Tổ chức Care quốc tế phối hợp với Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bắc Kạn triển khai từ cuối năm 2015 tại huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.

Các nghiên cứu viên của dự án tham dự hội thảo chia sẻ kết quả đồng nghiên cứu.


Những năm qua, vai trò và vị trí của nữ giới đã được quan tâm và cải thiện trong nhiều lĩnh vực, song nhìn chung vẫn còn định kiến xã hội và sự bất bình đẳng trong đối xử, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số. Vì vậy, họ ít có khả năng tiếp cận các cơ hội về giáo dục, phát triển kinh tế và thường không được tham gia vào quá trình ra quyết định trong gia đình và cộng đồng. Để thay đổi thực trạng này, mục tiêu chính của dự án là giúp các nhóm phụ nữ ở địa phương chủ động tìm hiểu những vấn đề khó khăn mà cộng đồng đang đối mặt, tăng cường trao đổi kinh nghiệm để tìm ra nguyên nhân, sau đó trình bày và vận động các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội đưa ra hướng giải quyết. Thông qua các hoạt động như vậy, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số sẽ dần được lắng nghe và tôn trọng.

Theo các thành viên của Tổ chức Care quốc tế, khó khăn ban đầu của dự án là phụ nữ ở những khu vực vùng sâu, vùng xa thường nhút nhát, không dám nói lên chính kiến, ngại đứng trước đám đông. Tuy nhiên, sau gần 2 năm triển khai, thông qua nhiều khóa tập huấn về phương pháp kể chuyện, phổ biến kiến thức về đa dạng văn hóa và cách thức tổ chức nghiên cứu có sự tham gia của cộng đồng, các nhóm phụ nữ dân tộc Tày, Dao, Mông tham gia dự án đã thay đổi rõ rệt. Chị Sằm Thị Xinh, một cộng tác viên tại thôn Vằng Quan, xã Phúc Lộc, cho biết: “Trước khi đi nghiên cứu, tôi không tự tin, không dám nói ra ý kiến của mình.

Sau khi được tập huấn nhiều kỹ năng, được học thêm kiến thức mới, tôi đã tự tin hơn trong giao tiếp. Khi tham gia họp hay tiếp xúc cử tri, tôi có thể mạnh dạn đứng lên góp thêm ý kiến và được lắng nghe”. Còn chị Nông Thị Nhung, thôn Pác Châm, xã Bành Trạch khẳng định: “Tham gia dự án này tôi có thể học hỏi các thành viên trong nhóm và cả chị em ở các nhóm khác. Nhờ vậy, tôi có thể học được rất nhiều điều. Lúc đầu, khi đi làm nghiên cứu tôi thấy lo lắng nhưng giờ tôi đã nhận ra rằng, nếu quyết tâm thì cái gì cũng làm được và vượt qua được”.

Ngoài ra, dự án cũng giúp phụ nữ dân tộc thiểu số chủ động hơn trong việc giải quyết những vấn đề có ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống tại nơi đang sinh sống. Chẳng hạn tại xã Phúc Lộc, nhận thấy số trẻ em bỏ học sớm ngày càng tăng, nhóm nghiên cứu đã triển khai tìm hiểu và đưa ra được nguyên nhân chính như: Trường học xa; cơ sở vật chất thiếu thốn; ở nhà lao động phụ giúp gia đình; hoàn cảnh khó khăn hoặc quan điểm con gái không cần học nhiều…

Nhờ kết quả điều tra, các nhóm nghiên cứu đã đưa ra được những ý kiến đề xuất để cải thiện tình trạng trên như xây thêm nhiều điểm trường học bán trú tạo điều kiện cho các em ở xa, kêu gọi các quỹ khuyến học, các nhà hảo tâm giúp đỡ những em học sinh nghèo, tổ chức những buổi sinh hoạt ngoại khóa để tạo thêm niềm vui đến lớp cho các em...

Cũng bằng phương pháp này, các nhóm đã nghiên cứu, đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo tồn nghệ thuật hát then - đàn tính của người Tày, trang phục truyền thống của người Tày, Dao, cách chăn nuôi gia súc… Bà Hà Thị Liễu, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bắc Kạn cho biết, dự án đã góp phần làm thay đổi nhận thức của phụ nữ dân tộc thiểu số về vai trò của mình trong tiến trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương, đồng thời mong muốn mô hình này sẽ được nhân rộng trong thời gian tới.

Quỳnh Dương