Vẹn nguyên giá trị thực tiễn

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:47, 05/06/2017

(HNM) - Ngày 11-6-1948, tại bản Là Nọn, xã Phú Bình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước có tổ chức ở nước ta.


Vào thời điểm ấy, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành lời "hịch", động viên toàn thể đồng bào, chiến sĩ, phát huy truyền thống yêu nước thực hiện những nhiệm vụ cấp bách chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, góp của, góp công vào sự nghiệp kiến thiết và bảo vệ đất nước.

Tháng 5-1952, Bác tiếp tục khẳng định: "Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất"... Những lời kêu gọi của Người đã thôi thúc cả dân tộc không ngừng nỗ lực. Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là một minh chứng về lòng thi đua ái quốc của dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chính sức mạnh của phong trào thi đua: “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Năm xung phong”, “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”... đã góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Đất nước bước vào công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, những giá trị của Người về thi đua yêu nước vẫn được nhân dân ta tiếp tục phát huy. Nhằm tiếp tục thực hiện tư tưởng của Bác về thi đua yêu nước, ngày 4-3-2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg về việc lấy ngày 11-6 hằng năm là Ngày truyền thống Thi đua yêu nước.

69 năm đã đi qua, lời chỉ bảo của Bác “Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua” vẫn còn nguyên giá trị và là kim chỉ nam cho hành động của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.

Cụ thể như: Trong thi đua yêu nước phải xác định được nội dung của phong trào. Phong trào càng thiết thực, cụ thể thì hiệu quả đạt càng cao. Đó là cơ sở để làm tốt công tác vận động quần chúng nhân dân hưởng ứng tham gia, vừa có chiều sâu, vừa có chiều rộng, vừa có sức hút, vừa có khả năng lan tỏa. Bên cạnh đó, cần có phương pháp, khẩu hiệu thiết thực, rõ ràng, định hướng cho phong trào thi đua, kiên quyết chống bệnh hình thức. “Thi đua ái quốc phải có phương hướng đúng và vững… Phải có kế hoạch tỉ mỉ. Kế hoạch ấy phải do từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng cá nhân bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu, vui vẻ làm… Nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực”.

Có thể nói, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước luôn được Đảng và Nhà nước ta phát triển và vận dụng sáng tạo trong từng giai đoạn xây dựng phát triển. Trong những năm vừa qua, phong trào thi đua yêu nước của nhân dân là động lực tinh thần quý báu, tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước.

Trong giai đoạn hiện nay, thi đua yêu nước còn thể hiện ở việc cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung hưởng ứng tích cực việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TƯ.

Đất nước đang phát triển không ngừng và từng ngày thay da đổi thịt. Kết quả đó khẳng định giá trị cũng như ý nghĩa to lớn của phong trào thi đua yêu nước mà Bác Hồ kính yêu đã phát động cách đây 69 năm. Chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào thi đua yêu nước sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thiết thực, thấm sâu, lan tỏa khắp trong mọi tầng lớp nhân dân, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước ngày càng phát triển.

Hồng Cương