Vì sao người Việt đổ xô đi du lịch nước ngoài?

Du lịch - Ngày đăng : 18:50, 06/06/2017

(HNMO) - Mùa du lịch hè bắt đầu chưa lâu nhưng nhiều tour du lịch nước ngoài đã kín chỗ. Nguyên nhân là tour nước ngoài có nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn, giá rẻ hơn và chất lượng dịch vụ tốt hơn tour nội địa.


Lượng lớn khách chọn đi tour nước ngoài

Người Việt ngày càng có xu hướng đi du lịch nước ngoài. (Ảnh: Santorini-Hòn đảo của những thiên thần Hy Lạp).


Khảo sát của các công ty lữ hành cho thấy, tỷ lệ khách Việt đi du lịch nước ngoài chiếm tỷ lệ khá cao. Tại Công ty Truyền thông Du Lịch Việt, lượng khách đi du lịch nước ngoài chiếm tới 70%. Còn tại Công ty Du lịch Fiditour, tỷ lệ khách đi nước ngoài so với trong nước là khoảng 60/40. Tại Vietrantour, tỷ lệ này là 50/50. Bà Phạm Bích Ngọc, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Vietrantour cho biết, năm 2016, lượng khách Việt Nam đi du lịch nội địa là 40,88%, khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài là 39,89%. Khách du lịch Việt Nam những năm gần đây có xu hướng lựa chọn tour trọn gói đến các quốc gia Đông Bắc Á và đang dần quan tâm đến các điểm du lịch xa hơn như các quốc gia Châu Âu, Ấn Độ, Mỹ, Australia, Nga... bởi các điểm đến gần trong khu vực Đông Nam Á đang dần bão hòa và du khách dễ dàng tự tổ chức chuyến đi.

Giá rẻ, dịch vụ tốt - Yếu tố thu hút khách Việt ra nước ngoài


Theo bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Phòng Tiếp thị và Truyền thông Công ty Du lịch Fiditour cho biết, giá tour phù hợp, địa điểm tham quan phong phú, ít xảy ra tình trạng “chặt chém” nhất là trong mùa cao điểm, chính sách visa ngày càng thông thoáng, thuận lợi chính là yếu tố khiến du khách ưu tiên chọn lựa các tour du lịch nước ngoài. "Bên cạnh đó, sự tham gia ngày càng đông của các hãng hàng không giá rẻ nước ngoài, hoạt động quảng bá của các cơ quan xúc tiến du lịch của nhiều quốc gia khá chuyên nghiệp, sâu sát với thị trường Việt Nam đã có tác dụng kích thích nhu cầu xuất ngoại của du khách nhiều hơn", bà Trần Thị Bảo Thu khẳng định.

Bà Phạm Bích Ngọc thì cho rằng, khách Việt Nam có xu hướng lựa chọn đi du lịch nước ngoài nhiều hơn trong nước một phần là do tâm lý hướng ngoại, mong muốn khám phá nền văn hóa khác biệt, tìm hiểu về những thành phố phát triển trên thế giới. "Thêm vào đó, những năm gần đây, Cục xúc tiến và Tổng cục Du lịch một số nước tích cực quảng bá, kết hợp với nhiều đơn vị lữ hành Việt Nam xúc tiến các chiến dịch kích cầu tại thị trường Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Bỉ, Nga, Malaysia, Singapore... Nhờ thế, sản phẩm tour đến các nước này có giá tốt hơn khoảng 20 - 25% so với 3 - 5 năm trước. Bên cạnh đó, họ còn cung cấp nhiều trải nghiệm dịch vụ chuyên nghiệp hơn so với ngành Du lịch “non trẻ”, còn hạn chế trong đầu tư, phát triển và quản lý dịch vụ du lịch như Việt Nam", bà Phạm Bích Ngọc nhấn mạnh.

Phân tích cụ thể hơn, ông Trần Văn Long, Giám đốc Công ty Truyền thông Du lịch Việt nói: "Một số tour du lịch nước ngoài có mức giá tốt nên du khách có tâm lý thích xuất ngoại hơn. Ví dụ, tour du lịch miền Bắc 5 ngày, giá khoảng 7 triệu đồng. Trong khi đó, với mức giá tầm 6 - 7 triệu đồng là du khách có thể đăng ký tour đi du lịch Thái Lan".

Melbourne (Australia), một trong những điểm đến được người Việt ưa thích thời gian gần đây.


Bên cạnh đó, giá vé máy bay, vé tham quan tại các khu du lịch như Hạ Long, Thung Lũng Tình Yêu, Đồi Mộng Mơ ở Đà Lạt, Vinpearl Land Phú Quốc, Vinpearl Land Nha Trang… thời gian gần đây liên tục tăng giá nhưng không đi kèm với việc nâng cao chất lượng dịch vụ tại điểm đến đã kéo theo giá tour tăng, khiến tính cạnh tranh của du lịch trong nước giảm.

Ngoài ra, du lịch trong nước tồn tại nhiều bất cập như chặt chém du khách, nhất là vào mùa cao điểm, xả rác bừa bãi… tạo tâm lý không thoải mái cho du khách. Đây chính là lý do khiến Việt Nam dù có thiên nhiên tươi đẹp, nhiều điểm đến hấp dẫn nhưng du khách Việt lại không đi du lịch trong nước.

Làm gì để "người Việt Nam đi du lịch Việt Nam"?

Ông Trần Văn Long cho rằng, để "người Việt Nam đi du lịch Việt Nam", các hãng hàng không, nhà hàng, khách sạn cũng như các điểm tham quan cần hỗ trợ các công ty du lịch tổ chức tour nhiều hơn, cung cấp mức giá tốt hơn nhằm giảm giá thành tour. Bên cạnh đó, việc tăng giá vé ở các điểm tham quan cần hợp lý, có lộ trình, có thông báo rõ ràng và phải đi kèm với việc nâng cao chất lượng dịch vụ. Ngoài ra, cần xây dựng quy tắc ứng xử văn minh khi đi du lịch cho du khách và cả những người làm du lịch tại điểm đến, cụ thể là cần có thái độ thân thiện, vui vẻ và không "chặt chém" du khách.

Còn theo bà Phạm Bích Ngọc, để tăng cường thu hút du khách Việt đi du lịch trong nước thì cần có sự đầu tư, cải thiện chất lượng dịch vụ du lịch đồng thời gia tăng các trải nghiệm. "Các nhà hàng phục vụ du khách Việt cần có quy mô lớn, giá tốt và chuyên nghiệp. Các khách sạn từ 1 đến 3 sao cần có chính sách giá theo mùa rõ ràng, nhất quán. Các điểm tham quan, vui chơi, nghỉ dưỡng tại mỗi thành phố cần tăng cường cả về số lượng và chất lượng.... nhằm giữ chân du khách lâu hơn. Ngoài ra, cần siết chặt quản lý, hạn chế tình trạng bán hàng rong, đeo bám, chèo kéo, “chặt chém” du khách tại các điểm du lịch để tránh hình thành ấn tượng xấu đối với du khách đã và đang có ý định đi du lịch", bà Phạm Bích Ngọc góp ý.

Ông Đặng Tiến Đạt, đại diện Lạc Hồng Travel chia sẻ, để kích cầu du lịch nội địa, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà quản lý, các doanh nghiệp lữ hành và đơn vị cung cấp dịch vụ. Cụ thể, cần sự liên kết giữa hàng không, khách sạn, điểm đến và doanh nghiệp lữ hành để cùng đưa ra các giải pháp, xây dựng những chương trình kích cầu có trọng điểm trong năm và có thông báo sớm để doanh nghiệp chủ động trong việc lên kế hoạch bán sản phẩm.

"Các ban ngành ở cấp vĩ mô cần hỗ trợ công tác quảng bá dài hơi, chặt chẽ, đảm bảo tính hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó, cần có sự đầu tư, phát triển cho các điểm du lịch mới, đồng thời bảo tồn và gìn giữ môi trường du lịch tại các điểm tham quan", bà Trần Thị Bảo Thu nhấn mạnh.  

Lâm Vũ