Nhiều ĐBQH đề nghị bổ sung Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là đối tượng cảnh vệ
Chính trị - Ngày đăng : 18:01, 06/06/2017
Trước đó, trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh vệ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Võ Trọng Việt nêu, việc mở rộng hay thu hẹp đối tượng cảnh vệ cần xem xét trên các nội dung, tiêu chí cụ thể, đồng thời cần phân biệt rõ giữa “hoạt động cảnh vệ” với “hoạt động bảo vệ” để phát huy hiệu quả và phù hợp với tính chất hoạt động của từng lĩnh vực công tác, tránh chồng chéo, tổ chức cồng kềnh.
Thực tế cho thấy, các đối tượng cảnh vệ tại dự thảo Luật là kế thừa Pháp lệnh Cảnh vệ, đã thực hiện ổn định, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, đề nghị QH cho giữ như dự thảo Luật mà Chính phủ trình.
ĐB Trịnh Ngọc Thuý (TP Hồ Chí Minh). |
Phát biểu sau đó, ĐB Trịnh Ngọc Thuý (TP Hồ Chí Minh) cho biết, đa số cử tri nơi ĐB công tác đã đồng tình và đề nghị ĐB đại diện nêu ý kiến đề nghị QH đưa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) vào đối tượng cảnh vệ (được quy định tại Điều 10 của dự thảo Luật).
"Quy định về đối tượng cảnh vệ như dự thảo Luật là khá đầy đủ. Tuy nhiên, cần nhìn nhận trong xu hướng cải cách tư pháp xây dựng Nhà nước pháp quyền, hội nhập kinh tế quốc tế thì việc quy định Chánh án TANDTC là đối tượng cảnh vệ là hoàn toàn hợp lý" - ĐB Thuý khẳng định.
"Từ khi Hiến pháp năm 2013 ra đời, Đảng và Nhà nước ta luôn phân công đồng chí Bí thư Trung ương Đảng làm Chánh án TANDTC. Đặc biệt tại kỳ họp đầu tiên của QH khóa XIV, Chánh án TANDTC là một trong bốn vị lãnh đạo cao cấp của Nhà nước đã tuyên thệ trước QH và cử tri cả nước.
Đảng và Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt cho hoạt động tư pháp. Với vị trí và vai trò đó thì vị thế của người đứng đầu một cơ quan bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, có vị trí và vai trò đặc biệt, quan trọng trong hệ thống chính trị nước ta cần phải được quy định là đối tượng cảnh vệ.
Quy định này không đặt ra cho chúng ta thêm biên chế cảnh vệ vì đồng chí Chánh án TANDTC là Bí thư Trung ương Đảng, là đối tượng được cảnh vệ theo quy định tại Điều 10 dự thảo Luật" - ĐB Thuý phân tích.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre). |
Phát biểu ngay sau đó, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho biết, qua nghiên cứu các quy định của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị ngày 2-6-2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và các quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức QH, Luật Tổ chức TAND, ĐB cũng đề nghị QH xem xét quy định chức danh Chánh án TANDTC là chức danh cảnh vệ.
"Nếu được quy định một cách chính thức như vậy sẽ thể hiện được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự kỳ vọng của nhân dân đối với các cơ quan hoạt động tư pháp nói chung và tòa án nói riêng, để họ thực hiện một cách nghiêm túc, nghiêm chỉnh và tận tuỵ chức năng hộ pháp của nền kinh tế - xã hội Việt Nam" - ĐB Nhưỡng nêu.
ĐB Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội). |
ĐB Nguyễn Hữu Chính (TP Hà Nội) cũng cho rằng nên đưa Chánh án TANDTC làm đối tượng cảnh vệ. Ngoài các lý do đã được nhiều ĐB trước đó phân tích, ĐB Nguyễn Hữu Chính nhấn mạnh thêm, hiện nay chúng ta có các cơ quan lập pháp, tư pháp, hành pháp thì người đầu cơ quan lập pháp, hành pháp đều là đối tượng cảnh vệ; còn Chánh án TANDTC, người đứng đầu cơ quan tư pháp, là người được QH bầu, phải tuyên thệ trước QH thì chưa được quy định chính thức.
Làm rõ các vấn đề mà ĐB nêu tại cuối phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Võ Trọng Việt cho biết, về đối tượng cảnh vệ, cơ quan soạn thảo và thẩm tra đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến và khuynh hướng chung là giữ nguyên như quy định tại Điều 10 của dự thảo Luật.
"Cũng có khuynh hướng muốn tăng thêm đối tượng cảnh vệ, không chỉ với Chánh án TANDTC mà muốn tăng thêm đối với cả Tổng Kiểm toán nhà nước với những lập luận là chức danh này chống tiêu cực, chống tham nhũng, đụng độ, đụng chạm nhiều lợi ích, nhất là lợi ích nhóm, cho nên cần phải bảo vệ. Cũng có ý kiến đề nghị các chức danh như: Viện trưởng Viện KSNDTC, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an... cần đưa vào đối tượng cảnh vệ.
Sau sự vụ xảy ra ở một địa phương, nhiều tỉnh đề nghị bí thư, chủ tịch tỉnh cũng nằm trong đối tượng cảnh vệ.
Ngoài ra, cũng có khuynh hướng ý kiến muốn giảm hoặc giữ nguyên đối tượng cảnh vệ' " - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Võ Trọng Việt nêu.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Võ Trọng Việt. |
"Các đại biểu phải xác định rõ giữa cảnh vệ và bảo vệ là hai hoạt động hoàn toàn khác nhau. Hoạt động cảnh vệ chỉ tập trung vào những đối tượng đặc biệt quan trọng, gồm 18 cá nhân và khu vực trọng điểm, như trong dự thảo Luật quy định. Quy định như vậy là phù hợp với điều kiện tình hình đất nước ta hiện nay. Ban soạn thảo khi đưa ra trình Thường vụ QH với các lập luận đã được Thường vụ QH thảo luận, trình QH cho giữ nguyên như hiện nay". Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH nêu.
Điều 10 dự thảo Luật Cảnh vệ quy định đối tượng cảnh vệ bao gồm: 1. Người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gồm: a) Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; b) Chủ tịch nước; c) Chủ tịch Quốc hội; d) Thủ tướng Chính phủ; đ) Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ; e) Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; g) Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; h) Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ. 2. Khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam gồm: a) Người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ; b) Cấp phó của người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ, trên cơ sở có đi có lại; c) Khách mời của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ; d) Khách mời khác theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, trên cơ sở có đi có lại. 3. Khu vực trọng yếu gồm: a) Khu vực làm việc của Trung ương Đảng; b) Khu vực làm việc của Chủ tịch nước; c) Khu vực làm việc của Quốc hội; d) Khu vực làm việc của Chính phủ; đ) Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Bảo tàng Hồ Chí Minh; Khu di tích Phủ Chủ tịch; Quảng trường Ba Đình; Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại đường Bắc Sơn, Ba Đình, Hà Nội. Bộ trưởng Bộ Công an quy định phạm vi cảnh vệ khu vực trọng yếu. 4. Sự kiện đặc biệt quan trọng gồm: a) Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng; b) Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; c) Kỳ họp của Quốc hội; d) Phiên họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội đồng quốc phòng và an ninh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ; đ) Hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng, Nhà nước tổ chức; Đại hội đại biểu toàn quốc do các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương tổ chức; Hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có đối tượng cảnh vệ quy định tại khoản 1, điểm a, điểm b khoản 2 điều này tham dự, chủ trì hội nghị. 5. Căn cứ vào tình hình an ninh chính trị trong từng giai đoạn, xét thấy cần thiết, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung đối tượng cảnh vệ và việc áp dụng các biện pháp, chế độ cảnh vệ phù hợp theo quy định tại Điều 11, Điều 12, Điều 13 và Điều 14 của Luật này. |