Sóng gió tại vùng Vịnh
Thế giới - Ngày đăng : 06:40, 07/06/2017
Hãng hàng không của Qatar đã bị tạm dừng thực hiện các chuyến bay tới các nước Ả rập và vùng Vịnh. |
Khối đoàn kết các quốc gia vùng Vịnh duy trì gần 36 năm với hạt nhân là Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) gồm 6 quốc gia: Saudi Arabia, Bahrain, UAE, Qatar, Kuwait và Oman đã tạo sức ảnh hưởng rất lớn trong khu vực. Thế nhưng với sự chia rẽ hiện nay, chỉ còn duy nhất Oman và Kuwait chưa đi theo tiếng gọi của Saudi Arabia và giữ quan hệ bình thường với Qatar. Các nước Ả Rập và vùng Vịnh lâu nay cáo buộc Qatar hỗ trợ về chính trị, truyền thông và tài chính cho các nhóm đối địch ở nhiều nước cũng như các tổ chức khủng bố, cực đoan tại Libya, Ai Cập, Syria, Yemen và Tunisia, trải dài tới tận Trung Á, Bắc Phi và vùng Sừng Châu Phi. Nguồn gốc sâu xa của mối bất hòa trên còn xuất phát từ việc chính quyền Qatar ủng hộ Iran, do hai nước có quan hệ hợp tác kinh tế sâu rộng, đặc biệt là trong lĩnh vực khí đốt.
Căng thẳng bắt đầu từ tháng 5-2017, sau sự cố tin tặc giả danh quốc trưởng Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani của Qatar đăng tải hàng loạt các chỉ trích nhắm vào lãnh đạo các nước vùng Vịnh và kêu gọi giảm căng thẳng với Iran. Bài báo đã khiến các nước vùng Vịnh nổi giận, dù Qatar thanh minh rằng Hãng truyền thông Al Jazeera đã bị tấn công và nội dung đó do tin tặc gây ra. Đỉnh điểm là những tuyên bố và cam kết của Quốc vương Al Thani khi ông có cuộc điện đàm với Tổng thống tái cử Iran Hassan Rouhani hồi cuối tháng 5. Trong cuộc điện đàm, Quốc vương Al Thani đã ca ngợi mối quan hệ lịch sử và sâu sắc với Iran, đồng thời bày tỏ mong muốn mối quan hệ hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn. Chính những phát biểu của ông Al Thani về Iran đã làm cho các nước GCC, nhất là Saudi Arabia, quốc gia luôn đối địch với Iran, không thể kiên nhẫn hơn.
Việc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar là bước đi đã được cân nhắc kỹ của các nước Ả Rập và vùng Vịnh, với mục tiêu tối thượng buộc Doha phải điều chỉnh "lập trường và chính sách" của mình. Kèm theo tuyên bố chấm dứt quan hệ ngoại giao, các quốc gia này cũng đã yêu cầu công dân Qatar trở về nước trong vòng 2 tuần, đồng thời cấm tất cả các chuyến bay đến và đi từ nước họ. Giao thông đường biển và đường hàng không giữa Qatar và các nước vùng Vịnh cũng bị tạm dừng. Về phía Qatar, Bộ Ngoại giao nước này vẫn một mực phủ nhận những cáo buộc nhằm vào nước này.
Trước các xung đột leo thang về ngoại giao giữa các nước trong vùng Vịnh, nhiều quốc gia trên thế giới đã lên tiếng kêu gọi Qatar và các quốc gia Ả Rập và vùng Vịnh cùng nhau đối thoại. Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có quan hệ mật thiết với Qatar trong lĩnh vực năng lượng, tuyên bố sẵn sàng làm mọi điều có thể để "tháo ngòi nổ" căng thẳng, cũng như giải quyết các vấn đề một cách hòa bình. Cùng chung quan điểm với Thổ Nhĩ Kỳ khi cho rằng đối thoại là giải pháp duy nhất cho những bất đồng, Bộ Ngoại giao Iran kêu gọi Qatar và các quốc gia láng giềng cùng ngồi vào bàn đàm phán để tháo gỡ khúc mắc. Trong khi đó, Trung Quốc cũng lên tiếng ủng hộ các nước liên quan sớm có những hành động nhằm thu hẹp cách biệt, kiềm chế căng thẳng phát sinh. Mỹ cũng nhất trí rằng các đồng minh vùng Vịnh nên tự giải quyết bất đồng và khẳng định Washington sẵn sàng đóng góp cho việc hàn gắn mối quan hệ giữa các nước.
Chưa rõ những căng thẳng ngoại giao này sẽ đẩy mối quan hệ tương lai giữa Qatar và các nước trong khu vực đi tới đâu, nhưng hậu quả đã hiển hiện trước mắt. Đó là hoạt động hàng không vùng Vịnh bị “tê liệt” một phần, giá dầu tăng mạnh sau quyết định cô lập Qatar. Quan ngại hơn, tình trạng mất đoàn kết trong khu vực sẽ làm suy yếu những nỗ lực nhằm giải quyết các vấn đề nóng tại đây và đặc biệt ảnh hưởng tới cuộc chiến chống khủng bố.
Cả thế giới đang quan tâm tới tình hình vùng Vịnh, mang theo hy vọng một mai cơn "sóng gió" tại khu vực này sẽ mau tan.