Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm: Chặt cây như sát sinh!

Đời sống - Ngày đăng : 18:42, 07/06/2017

(HNMO) - Thảo luận tại đoàn Hà Nội trong chiều 7-6 về dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi), nhiều ĐB tiếp tục đóng góp ý kiến để bảo vệ

ĐBQH, Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm.


Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã bày tỏ cảm giác xót xa khi hàng ngày vẫn thấy hình ảnh lâm tặc phá hoại rừng.

Về "trách nhiệm bảo vệ rừng" được quy định ở Điều 52 dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi), ĐB đề nghị phải ghi rõ trách nhiệm là của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện, xã.

"Thành phố chúng ta đang được dư luận quan tâm, đánh giá cao với hàng triệu cây đang phát triển xanh tốt. Chúng tôi thấy rằng không phải chỉ là rừng đặc dụng mà mỗi nhà dân, làng xóm, phố phường phải trồng thêm cây.

Mấy hôm nắng nóng vừa qua, chúng ta thấy nhiệt độ ngoài trời khác với nhiệt độ nơi có bóng cây như thế nào. Điều đó cho thấy tác dụng lớn của cây xanh.

Giáo lý của đạo Phật nghiêm cấm việc chặt cây. Chặt cây cũng bị coi là sát sinh như giết hại con người. Lời di chúc của Đức Phật trước khi rời cõi đời này là không được chặt cây cối, phá hoại núi rừng. Cây cối cho ta sự sống, che mát cho ta nên cấm tuyệt đối việc chặt cây. Phật giáo rất yêu thiên nhiên, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường.

Chúng tôi rất mong mọi người đều bảo vệ môi trường, trái đất, bảo vệ cho cuộc sống, bầu khí quyển bằng việc phát động trồng cây. Mỗi người trồng một cây, thì các khu đô thị, cao ốc đều phủ màu xanh của cây cối. Rừng không phải rừng đặc dụng mà rừng còn có thể trồng ngay trong các khu đô thị, khu đân cư" - ĐB nêu.

ĐB Nguyễn Anh Trí.


ĐB Nguyễn Anh Trí cũng bày tỏ sự đồng tình và nhất trí cao với Dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) khi 12 chương, 97 điều được soạn thảo khá công phu. Do đó, dự án này nên sớm thông qua, tạo điều kiện thuận lợi cho bảo vệ và phát triển rừng ở nước ta.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu kỹ, ĐB bày tỏ băn khoăn khi toàn bộ dự án luật không đề cập đến suối, hồ, sông hoặc các hang động ở trong rừng. Trong khi đây là thực thể gắn bó hữu cơ với đất, với cây ở rừng.

"Chúng ta hoặc lãng quên hoặc đã quy định chưa hợp lý ở đâu đó, trong các bộ luật khác. Cần có quy định trong dự thảo Luật này để ngăn chặn việc gây ra ô nhiễm ở nước suối, hồ, sông trong rừng mà thực tế đã xảy ra; để không được ngăn chặn dòng chảy các con suối trong rừng khi xu hướng làm thuỷ điện nhỏ rất nhiều..." - ĐB  kiến nghị.

Trong dự thảo Luật lần này, mặc dù Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của QH có báo cáo thẩm tra nêu giữ nguyên Luật bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, trong báo cáo của Chính phủ vẫn đề nghị đổi tên là Luật Lâm nghiệp - ĐB Trần Thị Quốc Khánh cho rằng đây là điều cần hết sức cân nhắc.

ĐB này cũng bày tỏ sự phấn khởi khi trong dự án Luật đã phát triển hướng đến xã hội hoá trong quản lý, bảo vệ rừng. Bởi thời điểm hiện nay, việc mở rộng đối tượng được tham gia quản lý và bảo vệ rừng là đúng đắn và hợp lý.

ĐB Nguyễn Văn Chiến


Tuy nhiên, cũng bàn về tên gọi của dự Luật này, ĐB Nguyễn Văn Chiến cho rằng nội hàm của Luật không chỉ bao gồm bảo vệ và phát triển rừng. Do đó, với tên gọi như vậy thì sẽ thu hẹp phạm vi của Luật. Qua kiểm tra nội dung thuật ngữ và 1/3 các chương đều sử dụng thuật ngữ lâm sản, lâm nghiệp.

ĐB Nguyễn Phi Thường cho rằng nhận thức của chúng ta trong bảo vệ và phát triển rừng là rất rõ rệt, đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo, người đứng đầu Chính phủ.

Liên quan đến chính sách của nhà nước về phát triển rừng, ĐB góp ý Dự thảo Luật cần có điều riêng về chính sách phát triển rừng với những nội dung như chính sách đầu tư, chính sách hỗ trợ trồng rừng, chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng, giao khoán trồng rừng, bảo vệ phát triển rừng, chính sách khuyến khích chế biến lâm sản tăng giá trị của sản phẩm, hạn chế xuất khẩu thô.

Dự kiến, trong ngày 19-6 tới, các ĐBQH sẽ thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường sẽ có giải trình thêm về dự án Luật này.

Bảo Hân