Nghe trình và báo cáo thẩm tra hai dự án luật
Chính trị - Ngày đăng : 06:29, 07/06/2017
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trình dự án Luật Thủy sản (sửa đổi). Ảnh: TTXVN |
Khai thác thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền
Tại Tờ trình dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, Luật Thủy sản 2003 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực này. Ngành thủy sản đã đóng góp lớn vào tăng trưởng của ngành Nông nghiệp; xuất khẩu thủy sản tăng từ 2,2 tỷ USD (năm 2003) lên 7,16 tỷ USD (năm 2016).
Tuy nhiên, sau 13 năm triển khai, Luật Thủy sản đã bộc lộ một số hạn chế. Một số quy định chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế như: Quy định về truy xuất nguồn gốc thủy sản, quy định về chống đánh bắt bất hợp pháp… Trong khi đó, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, nguồn lợi thủy sản đang có dấu hiệu suy giảm, môi trường sống của các loài thủy sản có nguy cơ bị ô nhiễm, xu hướng gia tăng bảo hộ mậu dịch, hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu… là những thách thức lớn cần giải quyết. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Thủy sản 2003 là cần thiết.
Tại Tờ trình, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng khẳng định vai trò quan trọng của lực lượng kiểm ngư. Với thẩm quyền và trang thiết bị đủ mạnh, có cơ chế phối hợp với các lực lượng khác, lực lượng kiểm ngư sẽ góp phần tăng cường sự hiện diện của các lực lượng chức năng Việt Nam trên biển, đồng thời góp phần bảo đảm an ninh, trật tự tại khu vực.
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng khẳng định cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo luật cho phù hợp với chính sách phát triển ngành thủy sản và Hiến pháp 2013.
Về chính sách của Nhà nước trong hoạt động thủy sản, Ủy ban tán thành quy định các chính sách về đầu tư, hỗ trợ kinh phí, chính sách khuyến khích cho các hoạt động thủy sản. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt thì việc đề ra chính sách phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy sản xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo và an ninh quốc phòng là cần thiết.
Đối với việc thành lập lực lượng kiểm ngư cấp tỉnh, hiện có 3 luồng ý kiến: Không thành lập; thành lập thêm hệ thống kiểm ngư tại 28 tỉnh ven biển (như dự thảo luật); tùy vào tính chất đặc thù của từng địa phương để thành lập thêm kiểm ngư cấp tỉnh. Ngoài ra, Ủy ban nhất trí với đổi mới trong việc cấp giấy phép khai thác thủy sản và thống nhất: Khai thác thủy sản phải được quản lý bằng hạn ngạch để bảo vệ, tái tạo và phục hồi nguồn lợi thủy sản hợp lý, bền vững…
Giám sát việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng
Tại Tờ trình dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, qua 12 năm thực hiện, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004 đã tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng, đa dạng hóa các thành phần kinh tế tham gia. Kinh tế lâm nghiệp đã chuyển từ chủ yếu dựa vào khai thác, lợi dụng rừng tự nhiên sang bảo vệ, phục hồi rừng tự nhiên và trồng rừng mới; đồng thời, gắn phát triển kinh tế lâm nghiệp với phát huy vai trò môi trường sinh thái, quốc phòng - an ninh và bảo đảm an sinh xã hội.
Trong ngày 6-6, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh vệ và thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật này. Quốc hội cũng họp riêng về việc phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào về việc sửa đổi điểm khởi đầu của đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào. |
Nhờ đó, diện tích rừng đã tăng từ 12,306 triệu héc ta với độ che phủ rừng 37% (năm 2004) lên 14,061 triệu héc ta với độ che phủ rừng 40,84% (năm 2015). Sản lượng gỗ rừng trồng hằng năm đạt khoảng 17 triệu mét khối, kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 7,1 tỷ USD. Song đến nay, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004 đã bộc lộ những hạn chế trong việc ngăn chặn tình trạng nạn phá rừng, suy giảm rừng tự nhiên; tình trạng lấn chiếm đất rừng còn diễn ra phức tạp. Bên cạnh đó, công nghiệp chế biến lâm sản chủ yếu nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, năng suất, giá trị gia tăng thấp… Thực tế này đã khiến đóng góp của ngành Lâm nghiệp trong nền kinh tế rất thấp.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khẳng định, việc sửa đổi luật là cần thiết. Với đề xuất xem xét đổi tên dự án luật thành Luật Lâm nghiệp hiện có 2 luồng ý kiến trái chiều. Về phân loại rừng, một số ý kiến đề nghị bổ sung loại rừng khu vực biên giới, rừng núi đá, rừng cộng đồng, để có chính sách phù hợp nhằm bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, cần quy định cụ thể những trường hợp được chuyển mục đích sử dụng rừng gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cụ thể hơn về tiêu chí, điều kiện, trình tự thủ tục, thẩm quyền khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Qua đó, cụ thể hóa chủ trương của Đảng: Không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác, trừ các dự án phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc các dự án đặc biệt, cấp thiết do Chính phủ quyết định.