Đẩy mạnh cải cách vì doanh nghiệp
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 07:22, 09/06/2017
Sản xuất hàng kim khí tại một doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp Thanh Thùy (huyện Thanh Oai). Ảnh: Bá Hoạt |
Sự vào cuộc đồng bộ
Luật Doanh nghiệp ra đời (2014) cùng hàng loạt quy định, hoạt động cụ thể đã giảm thời gian xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp xuống còn 3 ngày làm việc. Đặc biệt, Nghị định số 78/2015/NĐ-CP quy định mã số doanh nghiệp được tạo, gửi, nhận tự động bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Hệ thống thông tin đăng ký thuế và được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý nhà nước thống nhất sử dụng mã số doanh nghiệp để quản lý và trao đổi thông tin về doanh nghiệp cũng là bước tiến lớn.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến nay, khung pháp lý về đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế đã cơ bản được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý cho việc phối hợp, trao đổi thông tin giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế. Có thể nói rằng, cơ chế phối hợp giữa hai cơ quan này là một trong những mô hình thành công nhất hiện nay, tạo ra tác dụng kép vừa giúp nâng cao hiệu suất trong việc phục vụ người dân, doanh nghiệp vừa tăng cường chia sẻ thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Một số địa phương như Hà Nội, Đồng Tháp, Đà Nẵng đang vận hành tốt Cổng dịch vụ công trực tuyến, giảm thời gian cấp phép xây dựng từ 30 ngày xuống 10 ngày, thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ 30 ngày xuống 14 ngày...
Tiếp tục cải cách
Vừa qua, Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vừa ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TƯ về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết tập trung các nội dung khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng đóng góp trong GDP. Đồng thời, Trung ương cũng ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TƯ về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hai nghị quyết trên ra đời đúng thời điểm, là "kim chỉ nam" đáp ứng yêu cầu hội nhập và tăng tốc của nền kinh tế, trong đó nhấn mạnh quan điểm "cởi trói", đánh giá đúng vai trò, tầm quan trọng của doanh nghiệp tư nhân - là động lực của tăng trưởng kinh tế.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển, Bộ sẽ chỉ đạo các bộ phận chức năng rà soát, tổng hợp và cập nhật dữ liệu đăng ký hộ kinh doanh, hợp tác xã trên cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh; từ đó chia sẻ, đối chiếu thông tin để có phương án thống nhất dữ liệu trên phạm vi cả nước. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, đây là hoạt động quan trọng, cần thiết nhằm mục tiêu chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu khởi nghiệp quốc gia và có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020.
Tiếp theo, các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Công an cũng tăng cường phối hợp, xây dựng quy chế về thanh tra, kiểm tra hộ kinh doanh, hợp tác xã giữa các cơ quan quản lý nhà nước liên quan nhằm bảo đảm tính hiệu quả, đúng đối tượng, khách quan, trung thực và giảm sự phiền hà, cản trở hoạt động bình thường của các đối tượng được thanh tra, kiểm tra.
Hiện, Chính phủ đang đôn đốc các bộ, địa phương khẩn trương thực hiện các nội dung chỉ đạo, nhất là Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp nhằm duy trì kết quả đạt được cũng như tạo bước chuyển nhanh, mạnh hơn về chất thời gian tới. Trong đó, cơ quan quản lý cần nâng cao hiệu quả công tác thanh, kiểm tra theo hướng kết hợp nhiều nội dung trong một lần thanh tra; nếu có yêu cầu sửa đổi hoặc bổ sung hồ sơ thì kết hợp thông báo một lần toàn bộ nội dung cần thiết cho doanh nghiệp... Đặc biệt, việc cải cách hành chính, phục vụ doanh nghiệp sẽ là mục tiêu cao nhất và liên tục, gắn liền với quy định ngày càng cao về hiệu quả công việc. Và đây cũng chính là thước đo để đánh giá năng lực và mức độ hoàn thành công vụ đối với đội ngũ cán bộ, nhất là lãnh đạo từng đơn vị...
Theo ông Đào Xuân Sâm, nguyên Chủ nhiệm Khoa Quản lý kinh tế (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), hệ thống pháp luật mới được ban hành và liên tục hoàn thiện đã cổ vũ và bảo đảm pháp lý để kinh doanh tư nhân yên tâm phát triển. Sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đã có vai trò mở đường, khuyến khích, định hướng và điều tiết rất rõ... |