Để "đầu vào" thực chất

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:35, 10/06/2017

(HNM) - Cuộc


Kỳ thi năm nay, Hà Nội có hơn 76.000 thí sinh trong tổng số 83.000 học sinh tốt nghiệp THCS, đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT. Tuy nhiên, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường công lập chỉ là gần 57.000. Những con số này tạo áp lực không nhỏ cho thí sinh. Thậm chí, nhiều trường THPT chuyên ở Hà Nội có đầu vào khó hơn thi đại học, một số trường THPT công lập không chuyên có tỷ lệ "chọi" cao. Chính vì vậy, nếu thí sinh không có học lực tốt hoặc thiếu tập trung, sẽ mất đi cơ hội bước chân vào các trường phù hợp với học lực của mình.

Hà Nội vốn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về điều kiện dạy và học. Cách thi tuyển vào lớp 10 của Hà Nội cũng có điểm khác với nhiều tỉnh, thành phố. Đó là thí sinh Hà Nội chỉ thi hai môn toán, ngữ văn; còn ở nhiều tỉnh, thành phố khác, thí sinh phải thi thêm môn ngoại ngữ. Chưa kể, điểm xét tuyển lớp 10 vào hệ THPT không chuyên ở Hà Nội, thí sinh được cộng thêm điểm rèn luyện và học tập mỗi năm học ở cấp THCS. Và, số điểm này không chiếm quá 1/3 tổng số điểm xét tuyển, trong khi ở nhiều tỉnh, thành phố khác, học sinh đạt học lực giỏi, hạnh kiểm tốt cũng không nhận được ưu đãi này.

Trong khi kỳ thi vào lớp 10 ngày càng cam go thì việc cộng điểm dựa trên xét hạnh kiểm và học lực ở mỗi năm học THCS là rất quan trọng. Vẫn biết, điểm số này là để học sinh có động lực, không ngừng cố gắng. Song không ít người vẫn lo lắng, với cách cộng điểm ấy, liệu số điểm trong học bạ có là "ảo" vì... thành tích?

Yêu cầu về đánh giá thực chất học lực học sinh là điều quan trọng. Nhìn nhận đúng chất lượng sẽ giúp ngành Giáo dục có định hướng chuẩn để giáo dục trong giai đoạn THPT - một trong những giai đoạn bản lề, có ý nghĩa quyết định để học sinh lựa chọn hướng đi cho tương lai.

Sự sàng lọc qua các kỳ thi là cần thiết, đặc biệt là để tăng chất lượng "đầu vào" cho các trường THPT. Với môn ngữ văn, khi các vấn đề thời sự và các vấn đề xã hội mang tính mở ngày càng được đưa nhiều vào đề thi thì cách học “chay” truyền thống cũng cần thay đổi. Học sinh cần được trở thành chủ thể tham gia, chứng kiến các sự kiện để có thể đưa ra quan điểm, phản biện và có kỹ năng tổng hợp vấn đề…

Có thể thấy, tăng chất lượng nguồn tuyển cũng là tăng chất lượng giáo dục cho hôm nay và mai sau. Kết quả của một kỳ thi không phản ánh hết được thực tế, nhưng sẽ là thước đo quan trọng để thí sinh trúng tuyển vào các trường, qua đó các cơ quan chức năng có kế hoạch, lộ trình căn chỉnh việc học và thi có hiệu quả.

Cần lắm sự chắt lọc, đổi mới để giáo dục đi đúng quỹ đạo, xứng đáng với vị thế dẫn đầu của ngành Giáo dục Thủ đô.

Minh Thúy