Vì sao nhiều kiến nghị của phụ huynh chậm được làm rõ?

Giáo dục - Ngày đăng : 07:27, 10/06/2017

(HNM) - Phản ánh đến Báo Hànộimới, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Cổ Đông (Sơn Tây) cho biết: Theo quy định, tiền chăm sóc bán trú chỉ được dùng để chi bồi dưỡng người trực tiếp chăm sóc, cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ công tác bán trú, nhưng Ban Giám hiệu nhà trường đã sử dụng một phần để mua sắm trang thiết bị phục vụ bán trú...

Trường Tiểu học Cổ Đông.


Cụ thể, 3 năm học vừa qua, Trường Tiểu học Cổ Đông thu tiền chăm sóc bán trú với mức 140.000 đồng/học sinh/tháng, nhưng mỗi năm học nhà trường lại bớt một phần để mua sắm trang thiết bị phục vụ bán trú. Trong khi đó học sinh vẫn đều đặn đóng tiền mua sắm trang thiết bị phục vụ bán trú với mức 100.000 đồng/học sinh/năm. Nhận thấy việc này không đúng quy định, một số phụ huynh học sinh đã đề nghị nhà trường cho biết việc chi như vậy đúng hay sai? Khoản tiền trang thiết bị phục vụ bán trú nhà trường dùng vào việc gì?

Giải đáp những thắc mắc trên, bà Đào Kim Oanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cổ Đông cho biết, năm học 2016 - 2017, việc thu, chi tiền chăm sóc bán trú và mua sắm trang thiết bị phục vụ bán trú được nhà trường thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên, bà Oanh thừa nhận, nhà trường có trích tiền chăm sóc bán trú để mua trang thiết bị phục vụ bán trú và số tiền này được tiết kiệm trong 3 năm học chứ không riêng năm học 2016 - 2017. Được biết, từ năm học 2014 - 2015, đại diện cha mẹ học sinh đề nghị tổ chức ăn bán trú, nhưng do cơ sở vật chất còn khó khăn nên nhà trường phải đặt suất ăn ở ngoài. Cũng từ năm học này nhà trường đã thống nhất tiết kiệm khoản thu chăm sóc bán trú để mua sắm trang thiết bị phục vụ bếp ăn tại trường. Vì vậy, trong 3 năm học (2014 - 2015, 2015 - 2016, 2016 - 2017), nhà trường tiết kiệm được trên 149 triệu đồng và được sự thống nhất của Hội Cha mẹ học sinh, số tiền này đã được sử dụng để mua sắm trang thiết bị phục vụ bán trú năm học 2016 - 2017.

Xét về tình, việc Trường Tiểu học Cổ Đông tiết kiệm tiền chăm sóc bán trú để mua sắm trang thiết bị phục vụ bán trú không sai nếu việc tiết kiệm này được bàn bạc công khai trong tập thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhà trường, nhưng xét về lý thì việc chi như vậy là trái với quy định. Theo đó, quy định về thu, sử dụng các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập (trừ các cơ sở công lập chất lượng cao) được ban hành tại Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND ngày 22-11-2013 của UBND TP Hà Nội, nêu rõ: Tiền chăm sóc bán trú (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) thu không quá 150.000 đồng/học sinh/tháng, để chi bồi dưỡng người trực tiếp chăm sóc, cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ công tác bán trú. Ngoài ra, Khoản 3, Điều 2, Chương I trong quyết định này cũng quy định rõ: “Hạch toán riêng từng khoản thu vào sổ sách kế hoạch, tổng hợp chung vào báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách nhà nước hằng năm, không được sử dụng khoản thu này để điều chuyển hoặc chi cho nội dung khác, mục đích khác”. Bà Vương Thị Minh Hải, Phó Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo thị xã Sơn Tây cũng khẳng định: “Việc nhà trường sử dụng tiền tiết kiệm từ khoản thu chăm sóc bán trú để mua sắm trang thiết bị phục vụ bán trú là không đúng quy định...".

Một vấn đề nữa được đông đảo phụ huynh học sinh phản ánh là thực phẩm phục vụ nấu ăn bán trú được nhà trường nhập với giá quá cao so với giá thị trường. Đại diện một số phụ huynh cho biết, ngày 17 và 18-4-2017, giá thịt lợn sấn nhà trường nhập là 79.000 đồng/kg, trong khi đó giá thị trường chỉ 50.000 đồng/kg; trứng vịt nhà trường nhập 42.000 đồng/kg, giá thị trường 30.000 đồng/kg... Về việc này, bà Đào Kim Oanh cho biết: Sở dĩ nhà trường nhập thực phẩm giá cao hơn giá thị trường là vì các đơn vị cung cấp thực phẩm cho nhà trường đều có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. “Sau khi phụ huynh học sinh có ý kiến về giá thực phẩm cao hơn giá thị trường, nhà trường đã thỏa thuận lại với đơn vị cung cấp. Trong tháng 5-2017, giá thịt lợn giảm còn 65.000 đồng/kg".

Như vậy, theo trả lời của bà Oanh, chỉ sau khi phụ huynh học sinh có ý kiến thì giá nhập thực phẩm mới giảm. Điều này khiến nhiều phụ huynh học sinh đặt câu hỏi, nếu phụ huynh không có ý kiến, nhà trường sẽ mua thực phẩm giá cao đến bao giờ? Một vấn đề khác cũng được phụ huynh đề nghị làm rõ là vì sao một số học sinh không ăn bán trú nhưng vẫn phải đóng tiền chăm sóc bán trú? Về việc này bà Oanh cho rằng, trách nhiệm thuộc về giáo viên chủ nhiệm.

Để giải quyết dứt điểm kiến nghị của phụ huynh học sinh, đề nghị các cơ quan chức năng sớm kiểm tra, làm rõ việc chi tiêu các khoản thu mua sắm trang thiết bị phục vụ bán trú và việc nhập thực phẩm phục vụ nấu ăn bán trú tại Trường Tiểu học Cổ Đông.

Hoàng Minh