Cú sốc trên chính trường Anh

Thế giới - Ngày đăng : 07:04, 10/06/2017

(HNM) - Kết quả cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn tại nước Anh được công bố ngày 9-6 cho thấy, đảng Bảo thủ của Thủ tướng đương nhiệm Theresa May vẫn là chính đảng nắm giữ nhiều ghế nhất tại Quốc hội với 318 ghế...

Kiểm phiếu tại điểm bầu cử ở thị trấn Boston, hạt Lincolnshire, Anh.


Đây là kết quả bất ngờ và là một cú sốc đối với giới chính trị Anh. Quyết định tiến hành tổng tuyển cử sớm từng được coi là nước cờ khôn khéo của chính quyền bà T.May. Dù giành được sự tín nhiệm cao của người dân, nhưng trước bầu cử, đảng Bảo thủ chỉ có được đa số quá bán tại Hạ viện với tỷ lệ rất sít sao (330/650 ghế). Vì vậy, một chiến thắng giòn giã trong cuộc tổng tuyển cử sớm được kỳ vọng sẽ giúp củng cố quyền lực và sự hậu thuẫn cho Thủ tướng T.May trước thềm các cuộc đàm phán đầy khó khăn rời Liên minh Châu Âu (EU) - còn gọi là Brexit. Chỉ một tuần trước, nhiều người vẫn còn hy vọng vào khả năng giành chiến thắng của đảng cầm quyền. Song, thực tế đã không diễn ra như mong đợi và nữ chủ nhân ngôi nhà số 10 phố Downing đã thất bại trong nỗ lực nhằm tăng cường vị thế chính trị. Không thể giành thắng lợi cách biệt như kỳ vọng, đảng Bảo thủ thậm chí còn để mất lợi thế đa số quá bán tại Quốc hội.

Ngày 9-6, sau cuộc gặp với Nữ hoàng Anh Elizabeth II, Thủ tướng T.May thông báo sẽ thành lập một chính phủ mới với sự hỗ trợ của đảng Liên minh Dân chủ (DUP). Nữ Thủ tướng Anh cũng khẳng định tiến trình Brexit không bị chệch hướng và sẽ khởi động trong 10 ngày nữa dựa trên ý chí và nguyện vọng của người dân Anh.

Trong trường hợp này, chính đảng có lịch sử 183 năm ở nước Anh sẽ phải nỗ lực đàm phán để lập chính phủ liên minh với một hoặc nhiều đảng khác. Giới quan sát cho rằng, Thủ tướng T.May có thể hy vọng vào sự hậu thuẫn của đảng Liên minh Dân chủ (DUP) khi đảng này ủng hộ chính sách rời EU của Chính phủ. Tuy nhiên, việc DUP chỉ giành được 10 ghế tại Quốc hội khiến liên minh giữa hai đảng, nếu thành công, thì cũng quá mong manh. Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng T.May khẳng định: "Đất nước cần một giai đoạn ổn định và bất kể kết quả thế nào, đảng Bảo thủ sẽ bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ đó".

Trong khi đó, Công đảng cũng sẽ có các cuộc đàm phán song song với các đảng đa số cánh tả khác như đảng Dân chủ Tự do, đảng Xanh và đảng Quốc gia Scotland để thành lập một “liên minh tiến bộ”. Nhưng áp lực sẽ buộc Thủ tướng T.May phải triệu tập các cuộc họp trước ngày 13-9, khi Quốc hội mới tổ chức phiên họp đầu tiên, nhất là nếu Công đảng cho thấy họ có khả năng liên minh với các đảng khác để tạo thành thế "đa số quá bán" và đưa Chủ tịch J.Corbyn vào vị trí Thủ tướng Anh.

Thực tế cho thấy dù đảng Bảo thủ của Thủ tướng T.May có thể thành lập chính phủ liên minh hay không thì những khó khăn mà nước Anh phải đối mặt mới chỉ là khởi đầu. Sự giằng co về mặt chính sách giữa các đảng trong nội bộ chính phủ mới có thể ảnh hưởng tới những quyết sách trong các thời khắc quan trọng của đất nước. Đặc biệt, chỉ còn 10 ngày nữa, tiến trình đàm phán rời EU sẽ khởi động. Những rối ren về chính trị trong nước sẽ là bất lợi lớn của Anh trong quá trình thỏa hiệp với “phần còn lại” của Châu Âu và buộc nước này phải đưa ra những bước đi nhượng bộ, mềm mỏng hơn.

Ngay sau khi cục diện “Quốc hội treo” được hé lộ, bảng Anh đã tụt giá so với euro và USD. Các chuyên gia kinh tế nhận định, đây không phải là phản ứng của thị trường trước việc đảng Bảo thủ của bà T.May không giành đa số quá bán ghế tại Quốc hội mà là sự phản ứng trước viễn cảnh bất ổn của tình hình chính trị tại xứ sở Sương mù. Kết quả bầu cử cho thấy không phải các chuyên gia và chính trị gia mà cử tri mới là người nắm trong tay lá phiếu quyết định. Mối quan tâm lớn nhất của người dân Anh không phải là một chính quyền của đảng Bảo thủ hay bất kỳ chính đảng nào mà là một chính phủ ổn định, giải quyết được những thách thức từ kinh tế đến an ninh mà nước Anh đang đối mặt, đem lại sự bình yên và thịnh vượng cho đất nước.

Mai Chi