Giải pháp thúc đẩy nền kinh tế phát triển

Chính trị - Ngày đăng : 06:58, 11/06/2017

(HNM) - Trong tuần làm việc thứ 3, kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV, nội dung được các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận là việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016, những tháng đầu năm 2017.



Ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ đã mang lại những chuyển biến quan trọng trong đời sống, song các đại biểu Quốc hội đã chỉ rõ những hạn chế, đồng thời đề xuất các giải pháp thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Lan tỏa tinh thần “Nói và hành động”

Đó là nhận định của nhiều đại biểu khi đề cập đến những kết quả mà Chính phủ đã đạt được trong thời gian qua. Đại biểu Đinh Duy Vượt (Đoàn Gia Lai) đánh giá cao sự thẳng thắn, trách nhiệm, minh bạch của Chính phủ và sự đồng thuận, thống nhất cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ. Theo đại biểu, tinh thần "Nói và hành động" của Chính phủ đã lan tỏa. Chính phủ đã tăng cường gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe, đồng thời nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. "Kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được nhân dân đặc biệt ủng hộ; doanh nghiệp có niềm tin, tạo được luồng sinh khí mới trong đời sống và sản xuất" - đại biểu Đinh Duy Vượt nhận định.

Làm rõ hơn nhận định trên, đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (Đoàn Đồng Nai) dẫn chứng việc ngày 17-5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã gặp gỡ đối thoại trực tiếp với 2.000 doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Và tại kỳ họp thứ ba này, Quốc hội đã dành nhiều thời gian xem xét, thảo luận để thông qua nhiều luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Đó là những sự kiện quan trọng tiếp nối quá trình nỗ lực hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh của Quốc hội và Chính phủ. "Kỳ vọng lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp chính là môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, bởi trong thực tiễn việc thực thi các luật vẫn còn nhiều bất cập, nội dung chưa nhất quán, không tương thích, thậm chí vô hiệu hóa lẫn nhau" - đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng nói.

Toát lên trong các phiên thảo luận là niềm tin về tinh thần “Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp” đã và đang phát huy được hiệu quả, mang lại động lực mới cho nền kinh tế. Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn TP Hồ Chí Minh), tinh thần này không chỉ được thể hiện ở trung ương mà còn được thể hiện trong công tác điều hành, quản lý của chính quyền nhiều địa phương. Kết quả bước đầu thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; những vụ án tham nhũng, vụ việc tiêu cực của người đứng đầu cơ quan, đơn vị được xử lý nghiêm thời gian qua… dù có thể chưa được như mong muốn, song cử tri TP Hồ Chí Minh rất phấn khởi. “Cả hệ thống chính trị đang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, để dân tin và để đất nước phát triển” - đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.

Rõ giải pháp, rõ trách nhiệm

Kéo dài thêm 90 phút so với dự kiến ban đầu, phiên thảo luận đã đáp ứng được sự kỳ vọng của Quốc hội và cử tri, với những ý kiến đóng góp thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội. Cùng với nêu bật kết quả đạt được, các đại biểu đã chỉ rõ những hạn chế, vướng mắc và đề xuất các giải pháp đối với các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Về công tác giải ngân vốn, đại biểu Lê Công Đỉnh (Đoàn Long An) chỉ rõ, tiến độ còn chậm. Cụ thể, trong báo cáo tình hình giải ngân và thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đến hết tháng 5-2017 chỉ đạt 25,1% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và tương đương 21,4% kế hoạch vốn Quốc hội giao. Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, làm rõ nguyên nhân, giao trách nhiệm và có chế tài xử lý các bộ, ngành, địa phương liên quan nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đề ra.

Đóng góp giải pháp phát triển bền vững nền kinh tế và kiểm soát lạm phát, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Đoàn Cần Thơ) cho rằng, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và chính sách vĩ mô khác. Cùng với đó là kiểm soát chặt chẽ liều lượng và thời điểm điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý; tiếp tục điều hành ổn định lãi suất và tỷ giá, tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp.

Liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu Hà Thị Minh Tâm (Đoàn Hà Nam) kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ nhanh chóng sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách về đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tích tụ, tập trung ruộng đất và mở rộng hạn điền. Bên cạnh đó là đẩy mạnh liên kết “bốn nhà”, tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao và đặc biệt là công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp; gắn nghiên cứu với chuyển giao ứng dụng khoa học vào thực tiễn.

Ở góc độ khác, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn Bình Định) thông tin, hiện nay chúng ta đang hiện đại hóa tàu cá, với những tàu có kích thước lớn, tàu vỏ thép, đồng thời với đó phải xây dựng cơ sở phục vụ nghề cá ngang tầm. Nhiều chủ tàu lo lắng khi một số tàu vỏ sắt mới bị hư hỏng, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm và sớm khắc phục với tinh thần không để chính sách tốt lại thành “gánh nặng” cho người dân.

Dù đã tăng thêm thời gian, nhưng vẫn chưa đủ để các đại biểu đóng góp ý kiến cho một nội dung đặc biệt quan trọng, thu hút sự quan tâm theo dõi của cử tri và nhân dân cả nước. Bức tranh kinh tế Việt Nam đã chuyển sang gam màu tươi sáng hơn, tuy nhiên kết quả GDP quý I-2017 cho thấy về căn cơ sự chuyển biến về kinh tế vẫn chưa thực sự vững chắc. Vì vậy, điều mà các đại biểu mong muốn là tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, Nhà nước phải khẳng định được vai trò, trách nhiệm của mình.

Thanh Hải