Giữ rừng "vàng” quốc gia
Đời sống - Ngày đăng : 07:00, 12/06/2017
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Sóc Sơn tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Bá Hoạt |
"Đóng cửa" rừng, vẫn chặt phá...
Luật Bảo vệ và Phát triển rừng được Quốc hội thông qua năm 2004, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-4-2005 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng, giúp nước ta chuyển từ nền lâm nghiệp quốc doanh sang nền lâm nghiệp nhân dân, đa dạng hóa các thành phần kinh tế tham gia. Nhờ đó, nếu như năm 2004, diện tích rừng là 12,306 triệu héc ta với độ che phủ rừng đạt 37%, năm 2015 đã tăng lên 14,061 triệu héc ta với độ che phủ 40,84%. Sản lượng gỗ rừng trồng hằng năm đạt 17 triệu mét khối, kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 7,1 tỷ USD.
Mặc dù đạt được một số thành tựu quan trọng, nhưng luật hiện hành đã bộc lộ những hạn chế. Tình trạng phá rừng, suy giảm rừng tự nhiên, lấn chiếm đất rừng vẫn diễn biến phức tạp. Đóng góp của ngành Lâm nghiệp trong nền kinh tế rất khiêm tốn, trong khi đó, thu nhập của người làm nghề rừng còn thấp...
Cho rằng còn những “lỗ hổng” trong công tác quản lý, đại biểu Ngô Tuấn Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) phản ánh, có nhiều người giàu lên bất thường từ khai thác rừng nghèo và trồng rừng mới. Kể cả khi Thủ tướng Chính phủ có lệnh "đóng cửa" rừng, vẫn có tình trạng chặt phá rừng. Bức xúc trước nạn chặt phá rừng tràn lan, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi: Luật cần làm cách nào để ngăn chặn nạn phá rừng và khai thác gỗ khi mà những cây gỗ quý, lâu năm, thuộc diện phải bảo tồn đang bị khai thác; việc bảo vệ động vật quý hiếm trong rừng cũng chưa có quy định?
Chung quan điểm phải siết chặt quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng, đại biểu Đặng Minh Châu (Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, chúng ta đang đối mặt với biến đổi khí hậu, với diễn biến phức tạp. Hạn hán, lũ lụt, sạt lở đất, nước biển dâng… có nguyên nhân do phá rừng. Rừng không chỉ là tài nguyên mà còn là phong cảnh cho địa phương, vì thế cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Theo đại biểu, không chỉ bảo vệ rừng đặc dụng mà mỗi nhà dân, khu phố, làng xóm đều phải trồng cây, bảo vệ cây để tạo cảnh quan và làm “lá phổi xanh” cho con người.
Cấm thay đổi hệ sinh thái rừng
Đề cao tầm quan trọng của việc bảo tồn rừng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, dù có nhiều quy định để phân loại chi tiết rừng đặc dụng, bảo tồn rừng quốc gia, rừng tự nhiên, sinh cảnh…, nhưng vẫn chưa đủ, bởi có những khu rừng có nhiều chức năng. Hiện nay, các nước trên thế giới rất lo ngại việc đưa vào rừng những giống cây lạ, dễ sinh sôi nảy nở, tạo ra chất dễ cháy. Vì vậy, dự thảo luật cần có quy định cấm việc này. Nêu lại vấn đề bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng), đại biểu đề nghị, dự thảo luật bổ sung quy định cấm những hình thức kinh doanh hoặc hoạt động khác làm thay đổi hệ sinh thái rừng.
Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Đoàn Hưng Yên), dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng chưa quy định cụ thể các biện pháp, chế tài nghiêm khắc với hành vi khai thác rừng trái phép. Nhiều chủ rừng được giao quản lý rừng, nhưng đã tự ý khai thác tài nguyên, gây hậu quả lâu dài về sau. Trong khi đó, quy định về hình thức xử phạt lại quá nhẹ, không đủ sức để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trong việc bảo vệ rừng. Nếu không đưa được hình thức vi phạm và mức vi phạm cụ thể vào luật sẽ gây khó khăn cho việc triển khai thi hành luật.
Nhấn mạnh việc cần bảo vệ nghiêm ngặt tài nguyên rừng, tránh gây thiệt hại cho người dân, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị, dự thảo luật phải có đủ cơ sở pháp lý để bảo vệ rừng. Trong đó, phá rừng để thu lợi bất chính là lợi ích nhóm, đặc biệt là trong phát triển thủy điện. Thiệt hại ở vùng hạ du thủy điện nhỏ và vừa đều do việc khai thác rừng bừa bãi, khó kiểm soát gây thiệt hại nặng nề cho người dân. Mưa xuống không có rừng để giữ nước, lũ về gây thiệt hại cho người dân. Nguyên nhân là chúng ta làm thủy điện không bài bản, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân.
Để bảo vệ hiệu quả tài nguyên rừng, các đại biểu đề nghị xử lý nghiêm việc chuyển mục đích sử dụng rừng trái pháp luật; cấm mang hóa chất độc hại, chất nổ, chất dễ cháy vào rừng cũng như bảo vệ hiệu quả nguồn nước trong rừng… Bên cạnh việc phát triển rừng tự nhiên cũng cần quy hoạch cụ thể về việc tiếp cận và khai thác rừng trong dự thảo luật, tránh để xảy ra tình trạng như vụ cháy rừng ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) vừa qua, điều kiện tiếp cận rừng rất khó, khiến công tác chữa cháy gặp khó khăn.
Những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội sẽ góp phần hoàn thiện dự thảo luật, qua đó bảo tồn và phát huy hiệu quả những lợi ích của rừng "vàng” quốc gia.