Chính thức thông qua Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Kinh tế - Ngày đăng : 11:22, 12/06/2017
Các ĐBQH biểu quyết thông qua dự Luật đầu tiên tại kỳ họp. |
Dự án Luật gồm 4 chương, 35 điều đã được thảo luận tại hội trường tại kỳ họp này. Trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH, Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Trong Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh cho biết, có một số nội dung trước đó được các đại biểu thảo luận khá kỹ tại hội trường khi đề nghị không nên bình quân dàn đều giữa doanh nghiệp (DN )siêu nhỏ và nhỏ với DN vừa vì có sự khác nhau rất lớn về năng lực và quy mô; cần tập trung hỗ trợ cho DN siêu nhỏ và nhỏ bao gồm cả hộ kinh doanh với quy mô từ 10 - 20 tỷ đồng doanh thu và từ 20 - 30 lao động trở xuống.
Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ QH cho biết, định hướng của dự thảo Luật là hỗ trợ nhiều hơn cho DN có quy mô nhỏ hơn; bên cạnh những hỗ trợ chung, dự thảo Luật đã có một số quy định hỗ trợ cho DN siêu nhỏ, DN nhỏ. Các hỗ trợ cụ thể về thuế sẽ trình Quốc hội khi sửa đổi các luật thuế và dự kiến DN siêu nhỏ, DN nhỏ được áp dụng mức hỗ trợ thuế cao hơn.
Đối với tiêu chí xác định DNNVV,có ý kiến đề nghị chỉ quy định 2 tiêu chí là lao động và doanh thu; không nên quy định cứng các tiêu chí về tài chính trong Luật; cần quy định thêm tiêu chí vốn sở hữu chiếm ít nhất là 30% tổng nguồn vốn...
Vấn đề này, Ủy ban Thường vụ QH cho rằng, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tiêu chí lao động, tổng nguồn vốn và doanh thu là 3 tiêu chí phổ biến được nhiều nước áp dụng. Trên cơ sở kế thừa những quy định hợp lý của Nghị định số 56/2009/NĐ-CP, dự thảo Luật bổ sung tiêu chí doanh thu và giao Chính phủ quy định chi tiết việc xác định DN siêu nhỏ, DN nhỏ và DN vừa trong từng ngành, lĩnh vực phù hợp trong từng thời kỳ.
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng quy định tiêu chí căn cứ vào các số liệu là lao động, tổng nguồn vốn của năm trước liền kề là chưa phù hợp với DNNVV mới ra đời, cần nghiên cứu sửa đổi để nhóm DN này được tiếp cận các chính sách ưu đãi hỗ trợ. Ủy ban Thường vụ QH tiếp thu, bỏ quy định về “năm trước liền kề” của tiêu chí lao động và tổng nguồn vốn, trên cơ sở đó Chính phủ quy định chi tiết việc các hỗ trợ cho DN mới được thành lập trong năm.
Về nguồn vốn hỗ trợ DN NVV, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định để thu hút các nguồn lực của xã hội. Việc quy định căn cứ vào điều kiện của từng địa phương để hỗ trợ mặt bằng sản xuất, đầu tư cho DN NVV khởi nghiệp sáng tạo chỉ tạo điều kiện cho các tỉnh có nguồn thu, còn tỉnh nghèo, điều kiện kinh tế còn khó khăn thì sẽ rất khó thực hiện do không có nguồn thu.
Ủy ban Thường vụ QH tiếp thu và cho rằng, dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định nhằm thu hút các nguồn lực của xã hội ngoài ngân sách, như khuyến khích thành lập các tổ chức tư vấn độc lập để xếp hạng tín nhiệm DN NVV, hình thành các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung, chuỗi phân phối sản phẩm, công nhận địa vị pháp lý của Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo được hình thành từ vốn góp của các nhà đầu tư tư nhân…
Trong điều kiện nguồn lực ngân sách nhà nước có hạn, từng địa phương cũng có điều kiện kinh tế khác nhau, quy định như dự thảo Luật nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo của từng địa phương trên cơ sở phù hợp lợi thế so sánh nhằm hỗ trợ DN NVV trên địa bàn thiết thực nhất.
Trước ý kiến đề nghị quy định về tần suất thanh tra, kiểm tra, kiểm toán không quá một lần trên năm, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh cho biết, qua theo dõi tình hình và phản ánh của cộng đồng DN, hoạt động thanh tra nói chung và hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành nói riêng vẫn tồn tại những hạn chế, còn những vụ việc gây phiền hà, sách nhiễu DN.
Nội dung này thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật chuyên ngành về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ngày 17-5-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg yêu cầu khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với DN; trường hợp kế hoạch thanh tra trùng lặp, chồng chéo với hoạt động kiểm toán nhà nước thì chủ động phối hợp, trao đổi với Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ để thống nhất phương án xử lý theo quy định hiện hành, bảo đảm sự kế thừa kết quả thanh tra, kiểm toán, không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp). Do vậy xin không bổ sung quy định trong Luật này.
Luật Hỗ trợ DN NVV có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 2018.