Bình quân mỗi năm phải xử lý gần 130 nghìn tỷ đồng nợ xấu

Kinh tế - Ngày đăng : 21:26, 12/06/2017

(HNMO) - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đưa ra con số 640 nghìn tỷ đồng cần xử lý trong 6 năm tới để duy trì mục tiêu kiểm soát nợ xấu ở mức dưới 3%.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng phát biểu giải trình chiều 12-6.


Chiều 12-6, Quốc hội thảo luận vòng 2 về dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu. Khái niệm nợ xấu được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặc biệt quan tâm. Dự thảo mới về Nghị quyết xử lý nợ xấu đã bổ sung 2 phương án:

Phương án 1: Nợ xấu là các khoản nợ quy định tại Phụ lục về xác định nợ xấu của Nghị quyết này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi Phụ lục theo đề nghị của Chính phủ.

Phương án 2: Nợ xấu quy định tại Nghị quyết này là các khoản nợ quy định tại Phụ lục về xác định nợ xấu của Nghị quyết này và có dư nợ tại thời điểm ngày 31-12-2016.

Đồng tình với phương án 1, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, đã là nợ xấu thì nợ trước 31-12-2016 hay là sau 2016 đều là nợ xấu. Nếu nợ xấu sau năm 2016 không được xử lý thì xử lý theo quy định nào? Như vậy, cùng một chế độ, cùng một nhà nước, một loại nợ xấu nhưng chính sách áp luật pháp xử lý nợ xấu lại khác nhau.

Trong khi đó, ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh) lại băn khoăn khi phạm vi điều chỉnh được quy định như phương án 1 là quá rộng, không phù hợp, làm giảm trách nhiệm của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong quan hệ tín dụng.

"Tôi nghĩ không nên vô tình để Nghị quyết chúng ta ban hành này thành "lá bùa chống lưng" cho những sai phạm hoặc ít nhất thiếu trách nhiệm trong quan hệ tín dụng trước đây lại tiếp tục có cơ hội để tái diễn" - ĐB Trần Văn Minh phát biểu thẳng thắn.

Bên cạnh đó, do Nghị quyết này là giải pháp đặc thù để giải quyết tình huống đặc thù về nợ xấu trong giai đoạn trước đây nên ĐB Minh kiến nghị giới hạn lại phạm vi của Nghị quyết, chỉ xử lý đối với các khoản nợ xấu tính đến ngày 31-12-2016 như phương án 2 của dự thảo.

Phát biểu làm rõ thêm các vấn đề ĐB nêu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho rằng, việc áp dụng Nghị quyết đối với các khoản nợ xấu hiện tại và các khoản nợ xấu phát sinh trong khoảng thời gian có hiệu lực của Nghị quyết như phương án 1 là rất cần thiết.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lý giải, nợ xấu luôn tiềm ẩn, phát sinh hàng ngày, song hành với hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng. Trong điều kiện áp dụng đồng bộ các giải pháp hạn chế nợ xấu thì trung bình nợ xấu mới phát sinh hàng năm khoảng từ 1,3 - 1,5% trên tổng dư nợ và cho vay đầu tư đối với nền kinh tế.

Với mục tiêu tăng trưởng tổng dư nợ cho vay đầu tư đối với nền kinh tế bình quân hàng năm khoảng 16%, dự kiến nợ xấu phát sinh thêm trong 5 năm tới (2017 - 2022) khoảng 350 nghìn tỷ đồng. Để duy trì mục tiêu kiểm soát nợ xấu ở mức dưới 3% thì tổng nợ xấu cần xử lý trong 6 năm tới là khoảng 640 nghìn tỷ đồng. Như vậy bình quân mỗi năm phải xử lý gần 130 nghìn tỷ đồng.

Do đó, nếu chỉ giới hạn xử lý nợ xấu đã ghi nhận đến 31-12-2016 thì số nợ xấu mới phát sinh trong thời gian nghị quyết có hiệu lực sẽ tiếp tục gặp vướng mắc về cơ chế.

Ngoài ra, với một tổ chức tín dụng những khoản nợ xấu được khoanh đến ngày 31-12-2016 thì xử lý theo cơ chế của Nghị quyết này, còn những khoản nợ xấu phát sinh sau thì áp dụng theo các quy định hiện hành sẽ là rất bất cập.

Với hai lý do trên, Thống đốc Lê Minh Hưng mong các ĐBQH xem xét và quyết định vấn đề này.

Phát biểu kết thúc phiên họp hôm nay, liên quan đến 2 phương án về phạm vi xử lý nợ xấu còn đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Quốc hội sẽ gửi phiếu đến các đại biểu để đại biểu quyết định.

Bảo Hân