Siết chặt đào tạo liên thông

Giáo dục - Ngày đăng : 06:20, 13/06/2017

(HNM) - Chất lượng đào tạo liên thông nhiều năm gần đây luôn là đề tài thu hút sự quan tâm của dư luận, cũng là “bài toán khó” khiến các cấp quản lý đau đầu.

Chất lượng dạy và học cần được xem là tiêu chí hàng đầu trong đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có các hệ đào tạo liên thông. Ảnh: Bá Hoạt


Khống chế “đầu vào”

Những năm gần đây, nhiều cơ sở giáo dục đã mở thêm các loại hình đào tạo, trong đó có đào tạo liên thông để tạo cơ hội học tập cho những người có nhu cầu nâng cao trình độ. Có thời điểm, đào tạo liên thông nở rộ, nhiều người coi đó là cách thức hữu hiệu để tranh thủ có tấm bằng đại học, thậm chí cả bằng thạc sĩ.

Chính vì vậy, tình trạng tuyển sinh đào tạo liên thông ở nhiều cơ sở giáo dục diễn ra ồ ạt, vào bất kỳ thời điểm nào trong năm học để thu hút thí sinh. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo liên thông thực sự còn nhiều vấn đề. Cách đây 2 năm, sau đợt khảo sát việc tổ chức chương trình đào tạo liên thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác nhận, chất lượng đào tạo liên thông ở mức cảnh báo. Chỉ chưa đầy chục trường đại học đáp ứng các yêu cầu về chất lượng đào tạo liên thông chính quy. Theo nhận định của GS Nguyễn Minh Đường, Ủy viên Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2011-2015, việc tổ chức đào tạo liên thông quá dễ dãi, cẩu thả, làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực.

Theo Quyết định số 18/2017/ QĐ-TTg, việc tuyển sinh liên thông nói chung từ hệ cao đẳng lên đại học vẫn được thực hiện theo các hình thức do thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học quyết định: Có thể tuyển sinh theo kết quả thi THPT quốc gia hoặc tuyển sinh theo kỳ thi riêng do trường tổ chức. Song, riêng với tuyển sinh liên thông từ người có trình độ trung cấp lên đại học lại siết chặt hơn. Người dự tuyển bắt buộc phải dự thi cùng với thí sinh tốt nghiệp THPT ở kỳ thi tuyển sinh vào đại học hằng năm của cơ sở giáo dục đại học, chứ không phải bằng kỳ thi cho riêng đối tượng thi liên thông.

Bên cạnh đó, để ngăn chặn tình trạng sử dụng chỉ tiêu tràn lan, Quyết định số 18/2017/QĐ-TTg nêu rõ chỉ tiêu tuyển sinh liên thông phải được khống chế ở mức không quá 20% chỉ tiêu tuyển sinh tương ứng. Điều đáng nói là, tỷ lệ 20% này được xác định dựa trên chỉ tiêu tương ứng theo ngành đào tạo, chứ không phải theo tổng chỉ tiêu của trường.

“Canh cửa” cho đào tạo liên thông ngành sức khỏe

Trong số các ngành đào tạo, nhóm ngành chăm sóc sức khỏe là nhóm đặc thù, có nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực lớn, song lại đòi hỏi chất lượng cao. Bởi nếu chất lượng đào tạo không thực chất sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng con người. Do vậy, các quy định về đào tạo liên thông trình độ từ trung cấp, cao đẳng lên đại học từ trước tới nay đều dành sự quan tâm lớn cho lĩnh vực này.

Theo Quyết định số 18/2017/ QĐ-TTg, trong khi các ngành khác có thể tuyển sinh theo hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển, thì riêng với khối ngành sức khỏe, Thủ tướng Chính phủ quy định chỉ áp dụng thi tuyển để tuyển sinh đào tạo liên thông. Đối tượng được dự tuyển phải là người đã có chứng chỉ hành nghề và phải bảo đảm ngưỡng chất lượng “đầu vào” với điểm mỗi môn thi phải đạt từ 5 điểm trở lên theo thang điểm 10. Từ ngày 15-7-2017, có 5 ngành sức khỏe sẽ không được thực hiện đào tạo liên thông theo hình thức vừa làm, vừa học, gồm: Y đa khoa, y học cổ truyền, y học dự phòng, răng hàm mặt và dược, mà chỉ được đào tạo liên thông chính quy. Theo ghi nhận ban đầu, các trường khối ngành sức khỏe đều đồng tình và cho rằng, đây là quy định cần thiết, vừa để siết chặt “đầu vào”, vừa tạo cơ sở để các trường tập trung nâng cao chất lượng đối với các ngành trong danh mục được đào tạo.

Tuy nhiên, nếu như trước đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chỉ tiêu tuyển sinh liên thông chính quy của khối ngành sức khỏe chỉ được tối đa bằng 15% so với chỉ tiêu đào tạo đại học chính quy, thì theo quy định mới, chỉ tiêu tuyển sinh của khối ngành sức khỏe không bị xét riêng mà được quy định chung giống như các ngành khác, tức là không được vượt quá 20% chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo đại học chính quy tương ứng theo từng ngành đào tạo.

Trước băn khoăn của dư luận cho rằng "nhóm ngành đào tạo sức khỏe cần được siết chặt hơn ngay từ đầu vào", nhưng chỉ tiêu lại tương đồng 20% như với các ngành khác thì sẽ khó đạt hiệu quả, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, trước đây cũng có quy định tỷ lệ chỉ tiêu, nhưng nhiều trường đã lách luật bằng cách dồn chỉ tiêu liên thông vào một vài ngành có nhu cầu học lớn, trong khi điều kiện cơ sở vật chất, giảng viên không bảo đảm, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Theo quy định mới, tỷ lệ 20% được “chiểu” theo ngành đào tạo tương ứng, chứ không được tính theo tổng chỉ tiêu của trường. Cách thức này sẽ góp phần quan trọng bảo đảm chất lượng “đầu vào” của đào tạo liên thông khối ngành sức khỏe nói riêng và các ngành khác nói chung, góp phần chấn chỉnh tình trạng lộn xộn trong tổ chức đào tạo liên thông.

Đối với đào tạo liên thông khối ngành sức khỏe, người đăng ký dự tuyển phải có bằng tốt nghiệp trung cấp hoặc cao đẳng khối ngành sức khỏe, trong đó người có bằng tốt nghiệp y sĩ được đăng ký dự tuyển liên thông lên trình độ đại học các ngành y đa khoa, y học cổ truyền, y học dự phòng, răng hàm mặt; người có bằng trung cấp dược hoặc cao đẳng dược đăng ký dự tuyển liên thông lên trình độ đại học ngành Dược.

(Trích Quyết định số 18/2017/QĐ-TTg)

Thống Nhất