“Thật không thể hiểu nổi!”

Giáo dục - Ngày đăng : 07:09, 13/06/2017

(HNM) - Đó là lời cảm thán thốt lên của những người đang trò chuyện bên cạnh Hồ Gươm (Hà Nội). Giữa những ngày nóng

Vẫn lời những người đang tranh luận: "Thật không thể hiểu nổi làm sao các ông ấy (những người đã "phát minh" ra những chủ trương, những văn bản, những phát ngôn) lại có thể nghĩ ra được những việc thiếu tính khả thi và vô lý đến thế? Đã một dạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra chủ trương cộng điểm ưu tiên cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng khi thi đại học! Thật là chuyện cười ra nước mắt, đến giờ Bộ trưởng lại kiến nghị bỏ chế độ biên chế đối với giáo viên. Không biết ông Bộ trưởng có hiểu hết các luật liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức và thẩm quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo đến đâu không nhỉ?". Một người khác lại chen vào: "Nghe rằng ông Bộ trưởng nói sẽ làm thí điểm, thì trên mạng họ nói ông hãy thí điểm từ ông trước xem có làm được không? Ông cứ tự xin ra khỏi biên chế làm gương trước đi! Nghề giáo viên đang còn vất vả, lẽ ra ông Bộ trưởng nên cố nghĩ ra chủ trương, chính sách gì cho giáo viên đỡ khó khăn để thúc đẩy, khuyến khích họ làm việc cho tốt, đằng này ông lại "phát minh" ra chủ trương bỏ biên chế! Không biết ông Bộ trưởng có hiểu cứ như cơ chế chính sách hiện hành một người bị đưa ra khỏi biên chế là tương đương với cái án kỷ luật rất nặng buộc thôi việc hay không nhỉ?". Lại một vị nữa nói chen vào: "Không còn hiểu ra làm sao mà một chủ trương lớn, hệ trọng như vậy, đụng chạm đến cả triệu con người mà Bộ trưởng cứ nói trên báo hằng ngày như là chuyện chơi chơi? Nếu có thực tâm muốn làm thì cũng phải tổng kết, nghiên cứu, phải trao đổi với bộ này ngành kia, rồi lại còn phải báo cáo Chính phủ. Có khi còn phải trình ra Quốc hội chứ nào phải với mấy câu nói của một Bộ trưởng mà xong. Để đưa một người ra khỏi biên chế là cả quy trình thủ tục dài dằng dặc chứ đâu có dễ. Tôi nghe lúc đầu Bộ trưởng có ý làm rộng, sau bị dư luận phản ứng quá nên giờ thu lại là chỉ làm thí điểm với một số trường đại học và trung học phổ thông, nhưng liệu có trường nào dám xung phong làm thí điểm?".


Các giáo viên vùng cao đã phải vượt rất nhiều khó khăn để bám địa bàn dạy dỗ học sinh.


Câu chuyện càng lúc càng thêm sôi nổi, mỗi người mỗi ý, cứ như là các chuyên gia đang hội thảo, nghe sắc sảo và thuyết phục ra phết. Hết câu chuyện "hợp đồng giáo viên" của Bộ Giáo dục và Đào tạo mọi người lại chuyển sang chuyện của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc.

Vẫn những câu hỏi cùng những lời ca thán vô cùng bức xúc: "Sao lại có thể như thế nhỉ, toàn những chuyện như từ trên trời rơi xuống. Chưa xong việc cấp phép bài hát "Nối vòng tay lớn" lại tới việc "cập nhật Quốc ca". Rồi um sùm chuyện văn bản chỉ đạo kiểm điểm ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng vì những phát biểu trong tọa đàm “Phát triển Du lịch bền vững khu du lịch quốc gia Sơn Trà”. Lại một phát biểu mới toanh, gây sốc của ông Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc: "Bệnh viện, theo lý thuyết chúng tôi cũng có quyền thu tiền tác quyền, nhất là với bệnh viện kinh doanh". Trời - đất - quỷ - thần - ơi! Cái quyền mà ông giám đốc đang nói tới là quyền nào mà lớn vậy? Vừa lăm le thu phí ti vi khách sạn không được nay lại qua thu phí các nhà hàng cà phê. Lại đánh tiếng sẽ thu tiền bệnh viện... Cứ tư duy này ông ấy sẽ thu phí cả ti vi trong từng hộ gia đình. Chưa biết chừng, ai đi lại ngoài đường lỡ hát to ông ấy mà nghe được thì cũng... xin mời đóng phí (!?). Không biết ông giám đốc căn cứ vào luật lệ nào mà dám tự ý đưa ra những quyết định đi thu tiền của thiên hạ? Trung tâm của ông ấy hiện tại chỉ đại diện cho một bộ phận hội viên - những người ủy quyền cho trung tâm thu phí bản quyền tác giả. Còn đại diện cho toàn thể giới âm nhạc Việt Nam phải là Hội Nhạc sĩ Việt Nam chứ. Hội này phải có ý kiến chứ. Phát biểu về những chủ trương mà Trung tâm tự ý đưa ra - nói như Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên - là quá đà, quá giới hạn đấy! Ông định không cho người Việt Nam nghe nhạc Việt Nam chắc...

Ấy là tôi đã phải biên tập lại không ít câu từ thể hiện tâm trạng quá bức xúc của người dân. Tôi nghĩ thầm trong bụng, nếu để cho nhân dân kiến nghị không chừng các vị kia sẽ được... ra khỏi biên chế trước tiên!

Thời tiết Hà Nội những ngày này đã quá nóng. Lại thêm những vụ việc đang đốt nóng thêm dư luận. Tình cờ nghe được những ý kiến bức xúc của người dân đang trò chuyện tại Hồ Gươm, tôi ước mong các cơ quan chức năng cùng các vị có trách nhiệm và thẩm quyền đưa ra các quyết định, các phát ngôn liên quan đến người dân hãy cẩn trọng. Xin đừng gây thêm bức xúc bởi sự thiếu cơ sở thực tiễn và cả pháp lý!

Nhiệt độ ngoài trời những ngày này đã nóng quá sức chịu đựng của con người!

Minh Dân