Chuyển biến rõ nét trong cấp sổ đỏ

Đời sống - Ngày đăng : 07:15, 13/06/2017

(HNM) - Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai, nhà ở (sổ đỏ) trên địa bàn TP Hà Nội gần đây đã có chuyển biến tích cực, rõ nét...

Người dân làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại bộ phận “một cửa” UBND huyện Đan Phượng. Ảnh: Thái Hiền


Tập trung tháo gỡ khó khăn

Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được TP Hà Nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm ngay sau khi có Nghị quyết số 30/2012/QH13 của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực này. Đặc biệt, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu gắn liền với đất trên địa bàn Hà Nội. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Thành ủy, HĐND, sự triển khai quyết liệt hiệu quả của UBND thành phố và các ngành, sự cố gắng tích cực của các quận, huyện, thị xã, tính đến thời điểm đến tháng 2-2017, toàn thành phố đã thực hiện kê khai, cấp giấy chứng nhận đạt gần 90%.

Dù kết quả khá khả quan, song theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, qua giám sát cho thấy, những trường hợp tồn đọng so với số lượng đã xét cấp giấy chứng nhận không nhiều, nhưng phần lớn lại là những trường hợp vướng mắc kéo dài đã nhiều năm, khó giải quyết. Sau đợt giám sát, HĐND TP Hà Nội đã có 9 kiến nghị với UBND thành phố, 5 kiến nghị với UBND các quận, huyện, thị xã về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác cấp giấy chứng nhận.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, để hoàn thành mục tiêu như Chỉ thị 09-CT/TU giao và những kiến nghị sau đợt giám sát của HĐND thành phố, ngoài định kỳ hằng quý tổ chức họp giao ban với các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã để kiểm điểm tiến độ, chỉ đạo, hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp giấy chứng nhận, UBND thành phố còn ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận, tăng cường cải cách thủ tục hành chính. Thành phố đã quy định rõ trách nhiệm của các sở liên quan trong việc cấp giấy chứng nhận có trách nhiệm trả lời sau 5 ngày làm việc; thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở giảm thành phần hồ sơ, giảm thời gian giải quyết từ 30 ngày xuống 14 ngày…

Kết quả tích cực

Từ sự chỉ đạo quyết liệt từ thành phố đến cơ sở, đến nay, công tác cấp giấy chứng nhận so với thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị 09-CT/TU đã có chuyển biến rõ nét. Tính đến ngày 1-6-2017, công tác cấp giấy chứng nhận lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân trong khu dân cư đạt 96,52% (tăng 8,52%); cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở đạt 83,58% (tăng 6,66%); cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà tái định cư đạt 81,13% (tăng 24,48%); cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp đạt 98% (tăng 63,6%); cấp giấy chứng nhận cho các tổ chức (bao gồm các tổ chức kinh tế, cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức sự nghiệp công, UBND các cấp) đạt 73,02% (tăng 8,62%).

Các địa phương hoàn thành 100% việc cấp giấy chứng nhận lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân trong khu dân cư có đủ điều kiện gồm: Thanh Trì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Mê Linh, Thường Tín, Quốc Oai, Ba Vì, Mỹ Đức, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Long Biên, Ba Đình, Đống Đa. Các địa phương hoàn thành 100% cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền, đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp gồm: Thanh Trì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Thường Tín, Ứng Hòa, Hoài Đức.

Mặc dù kết quả cấp giấy chứng nhận lần đầu trên địa bàn thành phố đạt tỷ lệ cao và đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ đề ra, song thực tế vẫn còn một số loại đất, nhà ở, việc thực hiện cấp giấy chứng nhận chưa đạt kế hoạch. Phấn đấu hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận theo chủ trương của Thành ủy (cơ bản hoàn thành trong tháng 6-2017), thời gian tới, UBND TP Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, hiệu quả 9 nhóm giải pháp nêu tại Chỉ thị 09-CT/TU; Chỉ thị số 11/CT-UBND và Kế hoạch số 191/KH-UBND của UBND thành phố. UBND thành phố đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các ngành tiếp tục tổng hợp các khó khăn, vướng mắc để thành phố đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành trung ương chỉ đạo, hướng dẫn xử lý triệt để đối với các trường hợp vượt thẩm quyền. Đặc biệt, UBND thành phố cũng chỉ đạo rà soát, kiểm tra các dự án đầu tư đã có quyết định thu hồi đất nhưng quá 3 năm chưa thực hiện giải phóng mặt bằng; các diện tích đất, thửa đất vướng mắc về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, chồng, lấn quy hoạch trên địa bàn thành phố để có phương án xử lý, điều chỉnh kịp thời làm căn cứ cấp giấy chứng nhận.

Đồng thời, UBND thành phố tiếp tục thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm khắc các sai phạm đối với chủ đầu tư vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch. Ngoài công khai các dự án có vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, thành phố kiên quyết không xem xét cho các chủ đầu tư có dự án vi phạm được tham gia đầu tư các dự án mới trên địa bàn Hà Nội. UBND thành phố cũng chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra công vụ, quy rõ trách nhiệm đối với các quận, huyện, thị xã trong việc cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện nhưng sau ngày 1-7-2017 chưa cấp theo quy định.

Việt Tuấn