Tàu vỏ thép đóng mới hư hỏng: Chỗ nào sai Bộ phải chịu trách nhiệm!

Đời sống - Ngày đăng : 14:22, 13/06/2017

(HNMO) - Một số tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định, Phú Yên vừa ra khơi đã bị hư hỏng nặng được đại biểu quốc hội nêu chất vấn tới Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường.

ĐB Đặng Hoài Tân (Bình Định). Ảnh: Như Ý


ĐB Đặng Hoài Tân (Bình Định) nêu chất vấn: Để góp phần hiện đại tàu cá, nâng cao hiệu quả sản xuất của ngư dân, góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 67 về một số chính sách phát triển thủy sản ngày 7-7-2014. Qua đó, ngành Ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng vay vốn đóng mới và nâng cấp được hàng ngàn tàu, trong đó có 375 tàu vỏ thép. Tuy nhiên, nhiều tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi và một số tỉnh khác mới xuất xưởng chưa đầy 1 năm, ra khơi mới 1 - 2 chuyến thì đã hư hỏng nghiêm trọng. Thậm chí, tàu mới đưa từ xưởng về đã bị hư hỏng máy móc, không ra khơi được, mặc dù tàu này được đóng ở những cơ sở đóng tàu mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho là đủ năng lực thi công và được Trung tâm Đăng kiểm, Tổng cục Thủy sản kiểm định chất lượng.

"Tình trạng trên đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của ngư dân và tiến độ trả nợ ngân hàng. Đặc biệt nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến chính sách rất quan trọng của Đảng và Nhà nước, đến an toàn tính mạng và tài sản của ngư dân khi vươn khơi bám biển" - ĐB Đặng Hoài Tân nhận định.

Qua đó, ĐB chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường về giải pháp chấm dứt tình trạng trên và tạo điều kiện cho các chủ tàu bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường.


Trong phần trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện các văn bản quy trình để hướng dẫn các tỉnh giới thiệu cho ngư dân thực hiện đóng mới lực lượng tàu này. Trên cơ sở những tiêu chí lựa chọn, cả nước có 235 cơ sở có đủ điều kiện về trang thiết bị để thực hiện việc đóng tàu, với tổng số tàu theo kế hoạch là 2.284 tàu, phân bổ cho 28 địa phương.

Hiện nay, các đơn vị đóng được 666 tàu theo chương trình này, bằng 3 loại vật liệu: một là tàu vỏ sắt, hai là tàu vỏ gỗ và ba là tàu bằng vật liệu composite. Trong tổng số 666 chiếc, có 297 chiếc là tàu sắt và hầu hết các tàu đều có công suất lớn trên 800 mã lực để phục vụ khai thác vùng ngoài khơi.

Đánh giá chung đến ngày 31-5-2017 với 666 tàu, trong đó có 297 tàu sắt, các chuyến ra khơi đều báo cáo là tàu phát huy tác dụng, kể cả về hiệu quả kinh tế và an toàn hoạt động. Ví dụ, tổ hợp Hoàng Nam của Nam Định thu về 3,5 tỷ đồng và lãi 1 tỷ đồng/năm. Ở Bình Thuận, các thuyền viên cũng báo lãi 8-9 triệu đồng/tháng. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu có trường hợp của anh Vũ Văn Sơn sau 15 chuyến đi biển thu lãi 300 triệu đồng/chuyến, cao nhất có chuyến lãi 800 triệu đồng. Hay tại Bình Định, trong tổng số 49 tàu, có 24 tàu đi biển có lãi cao hơn 20-30% so với phương tiện tàu gỗ. 


Tuy nhiên, hiện nay đã xuất hiện một số tàu bị hư hỏng ở Bình Định và Phú Yên. Tại Phú Yên có 2 tàu hỏng nhẹ, đã được địa phương chỉ đạo khắc phục trong thời gian ngắn và đã tiếp tục hoạt động trở lại. 

Tại tỉnh Bình Định có 19 chiếc bị hỏng. Bộ đã cử Tổng cục Thủy sản vào làm việc quyết liệt, khẩn trương. Tỉnh đã mời tất cả ngư dân và hai đơn vị đóng tàu đến trực tiếp đối chất, làm việc để làm rõ phạm vi hỏng hóc và trách nhiệm của từng bên. Theo đó, 19 tàu hỏng có 4 chiếc của Công ty Đại Nguyên Dương, 15 chiếc của Công ty Nam Triệu, chủ yếu hỏng về máy và phần sắt ở boong, một số bộ phận trên tàu.  Bộ đã  đình chỉ việc chấp nhận hợp đồng đóng tàu mới của hai công ty, yêu cầu hai công ty không được đóng tàu mới để tập trung khắc phục hậu quả. Với tàu hỏng về máy, Bộ yêu cầu thay máy mới, không sửa chữa. Với các tàu hỏng phần sắt, hai công ty cần thay sắt đúng chủng loại để kịp thời phục vụ cho ngư dân đi biển. Với tàu còn nằm bờ, trong khi chưa sửa chữa được, các công ty phải có trách nhiệm với người dân khi họ không có thu nhập trong những ngày đó.

Tỉnh Bình Định cũng đã thành lập một đơn vị thẩm định độc lập, bao gồm các cơ quan quản lý, kể cả cơ quan tư pháp, mời các chuyên gia thẩm định rõ 19 tàu này hỏng hóc gì, nguyên nhân từ đâu. Tổ thẩm định đang đẩy nhanh kết quả thẩm định để sớm có số liệu cuối cùng. Đồng thời, tỉnh đã đề nghị cơ quan công an vào cuộc để làm rõ. Bộ đang phối hợp chặt chẽ với tỉnh để cố gắng hoàn chỉnh báo cáo đánh giá chung trong tháng này. 


"Bên cạnh đó, tôi cũng yêu cầu các tỉnh rà soát lại toàn bộ tàu để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Biện pháp đầu tiên là yêu cầu tất cả đơn vị liên quan khắc phục ngay. Còn trách nhiệm cụ thể thì tổ tư vấn sẽ làm rất kỹ để phát hiện nguyên nhân tại sao xảy ra tình trạng này để báo cáo Thủ tướng tiếp tục có những biện pháp chỉ đạo trong thời gian tới" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Bảo Hân