Mở thị trường mới cho nông sản Việt là yêu cầu bức bách
Kinh tế - Ngày đăng : 12:03, 13/06/2017
Mở thị trường là yêu cầu bức bách
Đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) nêu ý kiến cho rằng, lĩnh vực xuất khẩu nông sản Việt Nam hiện nay vẫn rất bị động, người tiêu dùng trong nước đã quá quen với những cuộc giải cứu nông sản. Để giải quyết tình trạng này, theo đại biểu, ngành nông nghiệp cần chủ động hơn về xuất khẩu.
Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị ngành Nông nghiệp cần có giải pháp triệt để chấm dứt điệp khúc “được mùa mất giá, mất mùa thì khan hàng” dẫn đến tình trạng “hết trồng lại chặt” của người nông dân. Trong đó, ngành Nông nghiệp cần phải xây dựng những giải pháp để thúc đẩy các công cụ nghiên cứu thị trường và chuỗi liên kết giá trị nông sản.
Tìm kiếm các thị trường mới là giải pháp để giải quyết khủng hoảng thừa nông sản trong nước. |
Nhiều đại biểu khác cùng chỉ ra thực trạng là thị trường xuất khẩu nông sản hiện nay của Việt Nam chủ yếu thông qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Các thương nhân thu mua nông sản đều hoạt động nhỏ lẻ. Nếu thị trường này đóng cửa, việc tiêu thụ sản phẩm sẽ lao đao. Thực trạng này đòi hỏi Việt Nam cần phải có bộ máy nghiên cứu thị trường, có chiến lược tìm kiếm và mở thêm các thị trường mới ngoài quốc gia láng giềng để đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm.
Chia sẻ với những băn khoăn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, mở thị trường là một yêu cầu bức bách. Đây không chỉ là trách nhiệm của riêng Bộ Công Thương mà Bộ NN&PTNT cũng cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, các doanh nghiệp và thành phần kinh tế khác để cùng tháo gỡ. Trong đó, Bộ đề xuất thành lập Cục Nghiên cứu thị trường, thông qua các đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài để tiếp cận và mở rộng thị trường mới, đồng thời kêu gọi sự đầu tư của các tập đoàn nước ngoài để đẩy mạnh việc tiêu thụ nông sản.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng thẳng thắn thừa nhận, năng lực mở thị trường của Việt Nam vẫn còn yếu kém, đặc biệt là tại các thị trường khó tính, ví dụ như Châu Âu đòi hỏi sản xuất và chế biến theo quy trình khép kín. Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ cùng phối hợp với Bộ Công Thương xúc tiến việc xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản, thảo luận các giải pháp xuất khẩu thịt lợn... Tuy nhiên, quá trình mở thị trường mới không thể hoàn thiện trong thời gian ngắn.
Cùng quan điểm với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, xây dựng thị trường là khâu quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp và tín hiệu của thị trường là yếu tố quan trọng để xây dựng quy hoạch phát triển ngành. Tuy nhiên, công tác phát triển thị trường chưa thực sự hiệu quả. "Khi đưa một mặt hàng ra nước ngoài, chúng ta cần 3 đến 7 năm để vượt qua các hàng rào kỹ thuật. Vì vậy, công tác quy hoạch cần tính đến vấn đề này và cần sự tăng cường phối hợp giữa các bộ ngành", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Mở thị trường gắn với xây dựng thương hiệu
Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), khi vươn ra thị trường thế giới, nông sản Việt Nam vẫn chưa chú trọng phát triển thương hiệu. Đây là thiệt thòi của hàng hóa Việt Nam, vì thế, cần có giải pháp cụ thể để xúc tiến việc phát triển thương hiệu cho nông sản.
Giải đáp câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện nay, thương hiệu hàng hóa Việt Nam đang được phân chia theo 3 cấp độ: thương hiệu vùng miền, thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia.
Về các sản phẩm có thương hiệu địa phương, vùng miền, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp nhiều chứng nhận thương hiệu theo chỉ dẫn địa lý. Ở cấp doanh nghiệp, đã có nhiều thương hiệu được thị trường đón nhận nhưng thương hiệu ở tầm quốc gia thì chưa có. Vì thế, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương xây dựng chùm sản phẩm Việt Nam, trong đó có nhóm nông sản.
Hiện nay, song song với việc phát triển thị trường mới, Bộ NN&PTNT đang cùng phối hợp với Bộ Công Thương lựa chọn các sản phẩm có dư địa phát triển để xây dựng thương hiệu tầm cỡ quốc gia.