Chủ tịch Quốc hội: Phiên chất vấn về nông nghiệp sôi nổi, thẳng thắn
Chính trị - Ngày đăng : 15:13, 13/06/2017
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn về các vấn đề "nóng" của ngành Nông nghiệp. |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, việc lựa chọn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường mở màn phiên chất vấn tại Quốc hội đã thể hiện sự quan tâm của Quốc hội đối với lĩnh vực nông nghiệp. Đây là lĩnh vực đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế nước ta. Lĩnh vực này đã được Quốc hội giám sát, chất vấn và ban hành nhiều nghị quyết với mong muốn tiếp tục có các giải pháp đột phá, tạo sự chuyển biến rõ nét trong thời gian tới.
Phiên chất vấn xoay quanh các nhóm vấn đề “nóng” của ngành Nông nghiệp hiện nay như giải pháp đột phá và lộ trình thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trong thời gian tới; biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, phát triển nông nghiệp bền vững và công tác bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, quản lý các hoạt động khai thác thủy sản.
Tại phiên chất vấn đã có 43 đại biểu đặt câu hỏi, 11 đại biểu tham gia tranh luận lại, 22 đại biểu đăng ký nhưng do thời gian hạn hẹp nên chưa được mời chất vấn. Cùng với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã tham gia trả lời các nội dung có liên quan.
Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, mặc dù thời gian nhận nhiệm vụ chỉ mới 11 tháng nhưng Bộ trưởng đã nắm rõ tình hình, thực trạng thuộc lĩnh vực mình quản lý. Bộ trưởng đã thẳng thắn, nhận trách nhiệm, làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu và đề ra giải pháp khắc phục. Đa số các đại biểu thể hiện sự hài lòng về phần trả lời của Bộ trưởng. Tuy nhiên, vẫn còn một số đại biểu cho rằng có câu trả lời chưa nói hết ý mà đại biểu hỏi và một số nội dung chưa được làm rõ.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, trong thời gian qua, lĩnh vực nông nghiệp đã ghi nhận nhiều chuyển biến, cơ cấu ngành chuyển dịch tích cực, một số mặt hàng đạt giá trị cao trên thị trường trong nước và thế giới. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp nước ta vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: quá trình tái cơ cấu còn chậm; tăng trưởng chưa đạt yêu cầu; quy hoạch, dự báo thị trường yếu; sản xuất chế biến tiêu thụ chưa đồng bộ, còn bị động; công tác bảo vệ phát triển rừng, quản lý, bảo vệ nguồn nước, quản lý đầu vào như vật tư, phân bón... chưa hiệu quả; chưa xây dựng được thương hiệu mạnh; vấn đề giống được quan tâm nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu; khả năng cạnh tranh thấp; việc ứng dụng công nghệ hiện đại còn hạn chế; việc đổi mới các hình thức sản xuất còn chậm; liên kết 4 nhà chưa có hiệu quả cao; thu nhập và đời sống người nông dân, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn thấp....
Nhằm đẩy mạnh phát triển ngành Nông nghiệp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ và Bộ NN&PTNT thực hiện quyết liệt các nhóm giải pháp bao gồm: Rà soát, hoàn thiện và phát triển việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong năm 2017 trình Thủ tướng ban hành kế hoạch, lộ trình cụ thể để tái cơ cấu ngành giai đoạn 2017-2020; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất; hướng dẫn UBND các tỉnh, thành thực hiện bộ tiêu chí đánh giá cơ cấu lại ngành Nông nghiệp đến năm 2020, gắn sản xuất với chế biến, thực hiện hiệu quả cơ chế 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp,thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tăng cường chế biến sâu; nghiên cứu, bảo tồn, phát triển giống bản địa; phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao; phối hợp phát triển thị trường ngoài nước; hoàn thành chuyển giao quản lý thị trường phân bón; tăng cường quản lý vật tư đầu vào; tăng cường nghiên cứu nguồn lợi thủy sản, phối hợp các bộ, ngành và địa phương trong việc khai thác nguồn lợi thủy sản...