Quan tâm hơn đến vấn đề đạo đức, ứng xử trong môi trường văn hóa

Văn hóa - Ngày đăng : 13:00, 14/06/2017

(HNMO) - Đạo đức xã hội, quy tắc ứng xử là một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội đặt ra cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng ngày 14-6.

Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện.


Chưa có quy định về những chương trình cho trẻ em

Đề cập đến vấn đề đạo đức xã hội, quy tắc ứng xử, ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) thẳng thắn nêu ý kiến, để xã hội có được những ứng xử tốt đẹp, Bộ VH,TT&DL cần phải quan tâm hơn việc đạo đức xuống cấp ngay trong môi trường văn hóa do Bộ quản lý. Theo ĐB Minh Hiền, hiện nay, ngành Văn hóa chưa có quy định cụ thể nào về việc xâm hại trẻ em, có trường hợp cá nhân băng hoại đạo đức, xâm hại trẻ nhỏ ở nước ngoài nhưng về nước vẫn được biểu diễn, tham gia các lớp dạy cho trẻ em, hay trường hợp gần đây, công viên Đầm Sen (TP Hồ Chí Minh) để xảy ra việc biểu diễn phản cảm trước hàng trăm trẻ em gây bức xúc dư luận; các gameshow, chương trình biểu diễn nặng về giải trí hơn là giáo dục nhưng lại không có quy định đối tượng trẻ em tham gia. ĐB Minh Hiền nêu câu hỏi: Bộ VH,TT&DL có giải pháp cụ thể, kịp thời nào để giải quyết những vấn đề này?


Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận, những vấn đề mà ĐB Phạm Thị Minh Hiền nêu lên rất đúng và sát thực tế. Những vấn đề về đạo đức văn hóa, đặc biệt liên quan đến việc trẻ nhỏ tham gia các chương trình biểu diễn có tính thương mại, sẽ được Bộ nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc. Bộ  tiếp thu vấn đề này, sẽ nghiên cứu quy định cụ thể và có báo cáo sau.


Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL thừa nhận, hiện chưa có quy định nào về những chương trình dành cho thiếu nhi (ảnh minh họa).


Liên quan đến sự xuống cấp về đạo đức, văn hóa ứng xử, ĐB Bùi Ngọc Chương (Cà Mau) cho rằng, báo cáo của Bộ VH,TT&DL chưa nêu được giải pháp cụ thể, chưa đề cập đến việc hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật để khắc phục tình trạng này. ĐB Tô Thị Bích Châu (TP Hồ Chí Minh) cũng nhận định, khi công tác về gia đình được giao cho Bộ VH,TT&DL, vai trò của Bộ khá mờ nhạt, vấn đề giảm bạo lực gia đình, quyền lợi của trẻ em chưa được quan tâm đúng mức...

Trả lời câu hỏi của các ĐB, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL cho biết, vấn đề đạo đức, lối sống luôn được Đảng, Nhà nước và Bộ VH,TT&DL chú trọng. Hiện nay, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Bộ cũng đã xây dựng các đề án cụ thể về việc xây dựng nếp sống mới, con người văn minh, hiện đại.

Đẩy mạnh ngành công nghiệp văn hóa

Đề cập đến ngành công nghiệp văn hóa, ĐB Dương Minh Ánh (Hà Nội) nêu câu hỏi: ngành VH,TT&DL phấn đấu đến năm 2020 đóng góp 3% GDP, vậy Bộ làm gì để chỉ số doanh thu đạt hiệu quả? Nhiều đơn vị nghệ thuật được Bộ giao tự chủ về doanh thu, lộ trình thực hiện việc này ra sao?

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, khái niệm công nghiệp văn hóa còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1755/QĐ-TTg về chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, mục tiêu đề ra là: Phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3% GDP và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, trong đó đóng góp của một số ngành cụ thể như sau: Ngành điện ảnh đạt khoảng 150 triệu USD (phim Việt Nam đạt khoảng 50 triệu USD); ngành nghệ thuật biểu diễn đạt khoảng 16 triệu USD; ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm đạt khoảng 80 triệu USD; ngành quảng cáo (trên truyền hình, đài phát thanh, báo, tạp chí, internet và quảng cáo ngoài trời) đạt khoảng 1.500 triệu USD…

Bộ trưởng cho biết, ở các nước phát triển, công nghiệp văn hóa đóng góp 10% GPD đất nước, ở nước ta việc phấn đấu đến năm 2020 đạt 3% GDP cũng là thành công. Để đạt được điều này, Bộ sẽ phải thực hiện những giải pháp cụ thể như: đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc hưởng thụ văn hóa, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực…

Về vấn đề tự chủ ở các nhà hát, theo Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL, các nhà hát truyền thống đang gặp nhiều khó khăn. Những người theo học các lĩnh vực nghệ thuật truyền thống, khi học rất vất vả nhưng khi ra hành nghề lại có ít công chúng, dẫn đến thu nhập không bảo đảm cuộc sống. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng nêu thực trạng, có những chuyên ngành dân gian ở các trường nghệ thuật 4 năm liền không tuyển được sinh viên. Hiện nay, Bộ đang nghiên cứu việc tự chủ, xã hội hóa của các đơn vị nghệ thuật.

Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá phiên chất vấn diễn ra thẳng thắn, trên tinh thần trách nhiệm, xây dựng. Tuy nhiên, việc trả lời của Bộ trưởng về một số vấn đề chưa rõ, chưa thỏa mãn yêu cầu của đại biểu Quốc hội nên có phần tranh luận khá sôi nổi.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng quan tâm chỉ đạo, thực hiện quyết liệt các giải pháp để khắc phục, trong đó tập trung vào một số vấn đề lớn như: sớm sửa đổi các quy định về việc quản lý tác phẩm, cấp phép quản lý nghệ thuật bảo đảm đúng quy định của pháp luật; nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, nghiệp vụ; đánh giá hiệu quả của hoạt động thiết chế văn hóa, thể thao, thư viện để phát huy hiệu quả; rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật trong hoạt động tổ chức lễ hội, sớm tham mưu trình Chính phủ ban hành văn bản về quản lý và tổ chức lễ hội trong năm 2017; tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc; tập trung xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách, nhất là cho thế hệ trẻ; sớm triển khai các quy định của Luật Du lịch sau khi được Quốc hội thông qua, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, làm tốt công tác quản lý, hướng dẫn du lịch…

Hoàng Lân