Bộ trưởng Y tế: Kỷ luật hơn 7.000 cán bộ

Đời sống - Ngày đăng : 13:24, 14/06/2017

(HNMO) - Sáng 14-6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội khóa XIV với hàng loạt vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý.

Sáng 14-6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV với hàng loạt vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đăng đàn sáng 14-6. Ảnh: Như Ý


Hơn 7.000 cán bộ y tế bị kỷ luật

Y đức luôn là một trong những vấn đề nóng tại các phiên chất vấn với vị trưởng ngành Y tế. Ngay đầu giờ sáng, ĐB Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội)nêu: Người bệnh thường phản ánh y tá hay điều dưỡng viên có nhiều lời lẽ khiếm nhã, thiếu tôn trọng  người bệnh. Nhìn ra các nước trong khu vực, văn hóa ứng xử của bác sĩ không những tôn trọng, tươi cười, phục vụ tận tâm mà khi khám chữa xong còn cảm ơn người bệnh vì đã đến với họ. Vậy Bộ Y tế có giải pháp nào để nâng cao đạo đức lương y và cải thiện phong cách phục vụ người bệnh?

Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận đó là tình trạng "con sâu làm rầu nồi canh” của một số cán bộ có thái độ không tốt.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã đưa ra một chương trình đổi mới toàn diện, hướng tới sự hài lòng của mọi người như: tuyên truyền vận động “Sống, làm việc, học tập theo phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, dùng đường dây nóng, hòm thư góp ý, gắn camera, tăng cường giám sát chuyên môn, có thông tư chỉ đạo nghiêm minh... Kết quả đã có hơn 7.000 cán bộ y tế bị kỷ luật, từ các hình thức cảnh cáo, khiển trách, đuổi khỏi ngành... Ngoài ra, ngành còn cải cách về tài chính, nâng lương, tăng thu nhập cho người lao động. Nhờ vậy, thái độ đối với người bệnh của các y, bác sĩ  được cải thiện rõ rệt.

ĐB Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội).

Nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi liên quan đến vấn đề chất lượng hệ thống y tế. ĐB Nguyễn Thị Lệ Thuỷ (Bến Tre) và Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long)cùng chung sự quan tâm đến chất lượng cơ sở tuyến huyện, nhân lực còn thiếu về số lượng và hạn chế về chuyên môn. Điều này ảnh hưởng đến lòng tin của người dân, khiến cho người dân bỏ qua các cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới mà đến thẳng các bệnh viện tuyến trung ương gây quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Y tế cho rằng, việc người dân muốn tiếp cận dịch vụ cao nên đã đến thẳng tuyến trung ương cũng là nguyện vọng chính đáng. Luật Bảo hiểm y tế đã quy định về hệ thống thông thẳng từ huyện đến tỉnh nên người dân có thể đến thẳng các cơ sở tuyến tỉnh để khám chữa bệnh. Với những bệnh nặng như ung thư, tim mạch và các bệnh phổi, người dân có thể theo dõi, giám sát để khám chữa bệnh. Người dân được phát thuốc đến tận tuyến tỉnh khá thuận tiện.

 Giá thuốc Việt Nam ổn định, không tăng cao

"Thời gian qua, ngành đã có nhiều biện pháp tăng cường quản lý giá thuốc, song còn ý kiến giá thuốc Việt Nam cao hơn so với mặt bằng giá trong khu vực và có sự chênh lệch giá giữa các địa phương trong nước" - ĐB Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh)nêu.

Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) và ĐB Pham Văn Tuân (Thái Bình) cùng chất vấn về thực trạng đáng báo động hiện nay là bán thuốc không theo kê đơn, tự ý bán thuốc theo triệu chứng của người mua. "Với trách nhiệm của ngành, bao giờ chấm dứt tình trạng dược sỹ có thể kê đơn như bác sĩ? "- ĐB Phạm Văn Tuân hỏi.

Trả lời câu hỏi của các ĐB, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, thời gian qua, với việc ban hành một loạt thông tư đồng bộ thực hiện Luật Đấu thầu, Nghị định Đấu thầu, thị trường thuốc Việt Nam giá ổn định, không tăng cao.

Cụ thể, trong Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của những mặt hàng thiết yếu, thuốc đứng hàng thứ 9, thứ 10, có nghĩa là không tăng đột biến. Đánh giá độc lập của tổ chức quốc tế gần đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế cho thấy, giá thuốc biệt dược và thuốc gốc (generic) của những loại bệnh ung thư, tim mạch, tiểu đường thì thuốc Việt Nam thấp hơn 10% so với 6 nước trung bình ASEAN… Thuốc của Philippines và của Thái Lan cao hơn tương ứng 37% và 19%.

ĐB Phạm Văn Tuân (Thái Bình).


Thừa nhận những bất cập trong quản lý các cơ sở bán thuốc dẫn đến tình trạng bán thuốc không theo đơn như ĐBQH phản ánh là xác đáng, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhận trách nhiệm trước yếu kém trong quản lý của ngành.

"Trong nhiệm kỳ này, chúng tôi sẽ cố gắng làm nhưng rất khó, khó hơn cả quản lý bảo đảm an toàn thực phẩm vì lĩnh vực này có tính chuyên sâu" - Bộ trưởng cho biết.

Một trong những giải pháp được đưa ra là tăng cường đội ngũ thanh tra giám sát. Tuy nhiên, đây cũng là một lực lượng rất yếu khi cả nước có chưa đến 300 thanh tra ngành y tế, kể cả tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Để hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, Bộ sẽ quản lý bằng thông tư kê đơn, bệnh án điện tử, đơn thuốc điện tử...

Lạm dụng, trục lợi BHXH từ cả hai phía

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu, qua tổ chức kiểm tra, giám sát tại các địa phương, có tình trạng lạm dụng Quỹ BHXH từ cả cơ quan y tế và người dân.

Với người dân, do quyền lợi được hưởng rộng, được thông tuyến nên lạm dụng đi khám nhiều. Thừa nhận thực trạng như ĐBQHnêu, Bộ trưởng cho biết, có người khám 20 lần, 30 lần, sáng khám, chiều khám, khám ở huyện này rồi sang khám ở huyện khác...

Với các đơn vị y tế, do cơ chế tự chủ có mặt hạn chế nên để tăng nguồn thu, có tình trạng lạm dụng từ xét nghiệm đến sử dụng dịch vụ y tế, kéo dài thời gian nằm viện hoặc chưa thật sự cần thiết đã cho bệnh nhân nhập viện.

Giải pháp được Bộ trưởng đưa ra là ban hành quy trình khám chữa bệnh chặt chẽ, kèm theo giám sát và cùng với BHXH sẽ có định mức trần chi. Tuy nhiên, mặt nào cũng có hạn chế, nếu quy định mức trần thì quyền lợi của người dân sẽ bị ảnh hưởng. Với các cơ sở y tế, sắp tới Bộ sẽ yêu cầu thực hiện nghiêm tự chủ với mô hình đổi mới hoàn toàn, có sự quản lý chặt của Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời theo từng nhóm vấn đề ĐB hỏi. Ảnh: Như Ý


"Báo cáo tại QH ngày 23-5, đại diện kiểm toán cho biết,  kết quả kiểm tra công tác đầu tư, mua sắm, quản lý trang thiết bị y tế năm 2015 phát hiện nhiều vấn đề. Nhiều thiết bị chưa hết thời gian khấu hao đã hỏng, không sử dụng được. Nhiều loại được đầu tư mới nhưng đắp chiếu. Đặc biệt cùng một loại vật tư, hoá chất, cùng một nhà cung cấp nhưng lại được Bộ phê duyệt giá giữa các bệnh viện khác nhau. Có loại chênh nhau tới gần 7 lần" - ĐB Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội)nêu vấn đề.

Lý giải thực trạng trên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, một số bệnh viện mua máy chưa hết thời gian khấu hao đã hỏng vì công suất sử dụng quá lớn, kể cả tuyến tỉnh. Số máy đắp chiếu có thể đang trong thời gian bảo hành, bảo trì, chờ nhà bảo hành từ nước ngoài...

Về chênh lệch giá cao từ 6 đến 7 lần với một mặt hàng cùng hãng, Bộ trưởng cho biết, kết luận này của cơ quan kiểm toán đã không được các bệnh viện và cơ sở y tế đồng thuận. Nguyên nhân là do trang thiết bị y tế có thể đa dạng về chủng loại, mẫu mã, bao bì, đặc biệt là mục đích sử dụng.

"Kim cánh bướm là loại kim nhỏ để luồn trong mao mạch nhỏ, thông thường Bệnh viện Việt - Đức mua với giá từ 6.000 đồng đến 7.500 đồng/chiếc. Trong khi đó, Bệnh viện Chợ Rẫy mua gấp 10 lần. Vấn đề ở chỗ cũng là kim cánh bướm, nhưng loại  mà Bệnh viện Chợ Rẫy mua là kim có khóa, có van, đầu vát để tránh đau cho bệnh nhân ghép tạng. Tương tự, dây truyền dịch và hoá chất có chức năng sử dụng khác nhau thì giá khác nhau" - Bộ trưởng lấy ví dụ.

Chiều nay, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp tục trả lời hàng loạt các chất vấn của ĐB từ 14h-16h25.

Minh Hoa