Nỗi lo trước cơ hội... đổi đời!
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:05, 14/06/2017
Những căn nhà tạm thuộc diện di dời đối lập với sự phát triển không ngừng của TP Hồ Chí Minh. |
Đi chẳng đặng, ở chẳng xong...
Hỏi thăm đường đến khu nhà "ổ chuột" nằm dọc bờ Nam kênh Đôi, một người chạy xe ba gác chỉ tay hướng ra bờ kênh, trả lời: “Dọc bờ kênh này chỗ nào cũng là nhà “ổ chuột” cả”. Đi theo hướng tay chỉ, chúng tôi như lạc vào mê cung của những con hẻm ngoằn ngoèo, chạy miết rồi cuối cùng cũng đến nơi. Khác với dòng xe đang hối hả ngoài đường, trong những dãy nhà nằm dọc kênh Đôi dường như là một thế giới khác. Ngồi trước cửa căn nhà rộng hơn chục mét vuông, bà Lê Thị Kim Hương, 59 tuổi (lô 34, số nhà 33, tổ 64, phường 4, quận 8) tâm tư: “Người dân ở đây rất ngại tiếp chuyện người lạ. Họ sợ bị chính quyền đến thông báo phải di dời nơi ở. Nhiều lần người dân đã được thông báo sẽ giải tỏa trắng khu vực này. Giải tỏa là mất nhà, mất chỗ ở, trong khi chỗ ở mới thế nào thì không ai biết được, tương lai mù mịt lắm. Chẳng ai muốn đi cả”. Khi chúng tôi hỏi, nếu giải tỏa thì gia đình dì đi đâu? Bà Hương thở dài: “Chắc về quê thôi!”...
Tiếp cuộc hành trình, chúng tôi đi sâu, len lỏi vào những con hẻm nhỏ, tối om, đến khu nhà bị sạt lở cách đây vài năm. Đến đây, chúng tôi cảm nhận rõ sự hoang tàn, hiu hắt. Ngay cạnh đó, những căn nhà lụp xụp, tạm bợ “ôm ấp” nhiều mảnh đời khác nhau. Chị Nguyễn Thị Dung (kế 20A, lô 26, đường Phạm Thế Hiển, phường 4, quận 8) cho biết, gia đình chị đã được chính quyền sở tại thông báo về kế hoạch giải tỏa từ năm 2000, nhưng mười mấy năm nay chưa thực hiện. Theo chị Dung, những căn nhà nằm trên phần đất tính từ mép kênh vào bờ khoảng 30m không được sử dụng nước sạch mà phải mua nước giếng khoan với giá 11.000 đồng/m3, trong khi nước máy do Nhà nước bán chưa đầy 2.000 đồng/m3.
Một căn nhà nằm trên kênh Đôi (quận 8) thuộc diện phải di dời khẩn cấp. |
Đề cập đến chuyện di dời, chị Dung chia sẻ: “Nói thật với anh, không ai muốn đi cả. Người dân ở đây dù nhà cửa lụp xụp, xiêu vẹo nhưng là tổ ấm của họ. Cơm áo, gạo tiền, cuộc sống mưu sinh cũng từ đây mà ra. Đi đến chỗ lạ, liệu có sống được không”. Khi chúng tôi đặt vấn đề rằng, Nhà nước bảo đảm chuyển đến chỗ mới sẽ tốt hơn chỗ cũ, bà con có cơ hội được “đổi đời”, chị Dung thở dài: “Ở chung cư thì ít ai ở được vì không quen, phải gánh nhiều loại phí, còn đền bù đất nền thì liệu có mấy ai đủ tiền để xây nhà, dù là một căn nhà cấp 4 tuềnh toàng”.
Quả thật, đây là nỗi lo chung của đa số bà con nằm trong diện giải tỏa, di dời nhà ở trên kênh và ven kênh rạch trên địa bàn quận 4, quận 7, quận 8 mà chúng tôi có dịp tiếp xúc. Những căn nhà ẩm thấp, xập xệ nhưng bao người lao động vẫn sống và tồn tại qua nhiều thế hệ. Đến nơi ở mới, liệu họ có giữ được “cái nghề” gắn liền với mảnh đất mà họ đang cố bám víu? Chưa kể, nếu chuyển lên chung cư, hằng tháng còn phải đóng phí; không biết thu nhập của họ có đủ để chi trả không.
Cần chính sách hài hòa
TP Hồ Chí Minh đang tập trung mọi nguồn lực để thực hiện chương trình di dời hơn 20.000 căn nhà nằm trên kênh và ven kênh rạch tại các quận, huyện nhằm chỉnh trang và phát triển đô thị thành phố từ nay đến năm 2025. Chỉ riêng bờ Nam kênh Đôi (quận 8) hiện có hơn 5.000 căn nhà với gần 26.000 nhân khẩu. Tuy nhiên, công tác giải tỏa, di dời và tái định cư nhà trên kênh và ven kênh rạch tại TP Hồ Chí Minh không phải là việc làm dễ dàng. Năm 2010, thành phố có chương trình di dời hơn 2.500 hộ dân với gần 14.000 nhân khẩu tại rạch Ụ Cây (quận 8) đến nơi ở mới để có cuộc sống ổn định hơn. Tuy nhiên, khi bố trí nhà tái định cư là những căn hộ chung cư thì rất ít hộ dân thích nghi được. Nhiều hộ sau đó phải bán căn hộ ở chung cư để quay về “kiếp nhà thuê”. Đây là bài học kinh nghiệm còn nguyên giá trị cho công tác giải tỏa, di dời, tái định cư hàng chục nghìn căn nhà trên kênh và ven kênh rạch trong gần 10 năm tới, mà trước tiên là hơn 5.000 căn tại bờ Nam kênh Đôi (quận 8).
Ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, ngân sách thành phố không đủ để di dời các hộ dân sống trên kênh và ven kênh rạch nên phải kêu gọi nhà đầu tư ứng 13.000 tỷ đồng và không tính lãi suất trong 3 năm để thực hiện việc di dời hơn 5.000 căn nhà tại bờ Nam kênh Đôi. Mặc dù hiện có 5 nhà đầu tư mong muốn thực hiện dự án này, nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng có khả năng về tài chính và năng lực thực hiện. Chính vì vậy, thành phố phải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố sử dụng cơ chế chỉ định nhà đầu tư để tránh ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng dự án.
Nhằm khắc phục những vấn đề có thể xảy ra hậu tái định cư, thành phố sẽ đưa ra nhiều phương án để các hộ dân được lựa chọn nhằm phù hợp với nhu cầu, hoàn cảnh của mỗi gia đình. Đó là tái định cư tại chỗ bằng căn hộ xây mới trên nền đất cũ; tái định cư ở khu vực lân cận; bố trí căn hộ chung cư xây sẵn hoặc bố trí đất nền để người dân tự xây nhà ở. Theo các chuyên gia, cách làm này sẽ giúp người dân giữ được việc làm cũ khi đến nơi ở mới. Hy vọng, đây sẽ là phương án hợp lý để người dân thực sự có được chất lượng cuộc sống tốt hơn sau khi di dời nơi ở.