Nan giải quản lý đất đai ở Đông Anh

Bất động sản - Ngày đăng : 07:07, 14/06/2017

(HNM) - Hiện nay, việc xử lý dứt điểm vi phạm và công tác quản lý đất sau xử lý vi phạm là vấn đề nan giải của chính quyền cấp xã trên địa bàn huyện Đông Anh.


Ngày 16-11-1999, UBND thành phố có Quyết định 4861/QĐ-UBND, phê duyệt kế hoạch của UBND huyện Đông Anh xin sử dụng 9.800m2 đất ở khu Đồng Bượm, xã Hải Bối để cấp đất giãn dân cho 70 hộ gia đình thuộc xã Hải Bối. Tuy nhiên khi triển khai, xã Hải Bối đã không thực hiện các thủ tục theo quy định, mà lại thu tiền của các hộ dân và giao đất. Ngoài ra, thôn Hải Bối cũng giao đất trái thẩm quyền cho hơn 100 hộ ngoài danh sách được thành phố phê duyệt, khiến tổng diện tích đất khu giãn dân Đồng Bượm tăng thêm hơn 15.000m2.

Sau khi UBND huyện Đông Anh yêu cầu xã Hải Bối khẩn trương rà soát, báo cáo thực trạng về công tác quản lý, sử dụng đất giãn dân khu Đồng Bượm, đã phát sinh một số vấn đề khiến UBND xã lúng túng. Đó là hồ sơ nguồn gốc sử dụng đất của 202 trường hợp ở khu giãn dân Đồng Bượm chỉ thể hiện phiếu thu của thôn Hải Bối, phiếu thu của Chi cục Thuế Đông Anh và xác nhận của UBND xã trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Trong khi đó, danh sách 70 hộ được thành phố phê duyệt không còn lưu tại xã, phiếu thu của Chi cục Thuế chưa thể hiện rõ thu tiền sử dụng đất ở đâu, hoặc quyết định nào, do đó UBND xã Hải Bối chưa thể xác định được đâu là phiếu thu tiền sử dụng đất giãn dân Đồng Bượm nằm trong danh sách đã được thành phố phê duyệt.

Trên địa bàn xã Hải Bối còn có 14 điểm vướng mắc thuộc thôn Hải Bối, thôn Đồng Nhân, khu chợ Cổ Điển… với các lý do: Giao đất trái thẩm quyền sau năm 1994, một số quyết định giãn dân được thành phố phê duyệt nhưng thực hiện dở dang, một số hộ dân lấn chiếm đất…

Còn ở xã Vĩnh Ngọc, việc quản lý đất sau xử lý vi phạm cũng khiến địa phương có nhiều trăn trở. Khu đất tại xứ đồng Bờ Dưa, thôn Phương Trạch nằm dọc tuyến đường Hoàng Sa, chủ yếu là thùng đào hố đấu, khó canh tác, không thể giao ổn định lâu dài cho các hộ dân. Do ở ven đường, thuận tiện giao thông nên các đơn vị nhà thầu thi công dự án đường 5 kéo dài, dự án cầu và đường Nhật Tân - Nội Bài đã trưng dụng và thuê hơn 3ha đất khu Bờ Dưa để lắp đặt trạm trộn bê tông, tập kết vật liệu.

Ngoài ra, còn một số chủ sử dụng đất cũng tự ý san lấp đất, xây các công trình nhà, xưởng… trên diện tích khoảng 6ha. Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Đông Anh, xã Vĩnh Ngọc đã xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm. Hiện, đơn vị thi công đã rời đi, diện tích đất trưng dụng và khu Bờ Dưa không còn khả năng sản xuất nông nghiệp, do mặt bằng hầu hết là nền bê tông, móng công trình xây dựng hoặc đã lu lèn chặt…

Để quản lý tốt 15ha đất khu Bờ Dưa đang bỏ không, xã Vĩnh Ngọc đề xuất với cơ quan chức năng cho thuê sử dụng ngắn hạn. Tuy nhiên, vì thành phố sẽ thực hiện một số dự án khác trong thời gian tới nên đề xuất này không thực hiện được. Ông Trần Thế Huy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc băn khoăn: “Nếu trong thời gian chờ đợi dự án triển khai, UBND xã được phép ký hợp đồng thời hạn một năm với một số đơn vị thuê đất làm bãi xe, tập kết vật liệu xây dựng… thì vừa quản lý được đất, chống tái vi phạm, vừa có nguồn thu cho ngân sách từ 3 đến 4 tỷ đồng/năm”.

Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Đông Anh còn một số xã cũng nhức nhối trong công tác quản lý đất đai sau xử lý vi phạm như: Đông Hội, Liên Hà, Vân Hà, Thụy Lâm, Xuân Nộn… Ở những địa phương này, do địa bàn chủ yếu nằm ven đường giao thông liên xã, liên huyện, quốc lộ nên rất dễ xảy ra tình trạng tái vi phạm.

Trước những băn khoăn, lúng túng của UBND cấp xã, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết: Trong thời gian tới, huyện sẽ yêu cầu UBND các xã kiểm tra, xử lý dứt điểm những trường hợp vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất. Sau đó sẽ rà soát thực trạng, tổng hợp hiện trạng diện tích đất sau xử lý vi phạm, đề xuất phương án quản lý, sử dụng... Từ đó, huyện sẽ có hướng chỉ đạo cụ thể, không để xảy ra tình trạng tái vi phạm.

Trung Nguyên