Hạn chế phương tiện cá nhân là xu hướng tất yếu

Giao thông - Ngày đăng : 06:33, 15/06/2017

(HNM) - Thời gian qua, thông tin về việc TP Hà Nội đang xây dựng đề án quản lý phương tiện giao thông cá nhân, trong đó đề xuất lộ trình cấm xe máy lưu thông trong khu vực nội thành từ năm 2030 đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Báo Hànộimới đã nhận được nhiều ý kiến ủng hộ chủ trương này như một xu hướng phát triển tất yếu, nhất là trong bối cảnh hệ thống giao thông đô thị tại Hà Nội và các thành phố lớn đang bị quá tải trầm trọng.

Phương tiện cá nhân gia tăng nhanh gây áp lực lớn lên hạ tầng giao thông. Ảnh: Anh Tuấn


Ông Phạm Hoài Chung, Giám đốc Trung tâm Phát triển giao thông đô thị và nông thôn - Viện Chiến lược và Phát triển GT-VT:
Sẽ ùn tắc nghiêm trọng nếu không sớm có giải pháp

Phương tiện giao thông cá nhân tại Hà Nội đang có tốc độ tăng trưởng nhanh khiến cho hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng quá tải. Theo tính toán, với tốc độ gia tăng phương tiện như hiện nay, đến năm 2020 Hà Nội sẽ có khoảng 983.000 xe ô tô và 6,2 triệu xe máy; năm 2025 có khoảng 1,3 triệu xe ô tô và 7,3 triệu xe máy; năm 2030 có khoảng 1,7 triệu xe ô tô và 7,7 triệu xe máy. Như vậy, nếu để phát triển tự nhiên thì đến năm 2020 toàn thành phố sẽ ùn tắc nghiêm trọng với diện tích chiếm đường của phương tiện vượt gấp 3 lần, và đến năm 2030 quá 10,56 lần. Khi đó, tất cả phương tiện giao thông không thể di chuyển. Vì vậy, kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân đang là yêu cầu cấp bách.

Để làm được điều này, TP Hà Nội cần kiến nghị Chính phủ ban hành chính sách quản lý về niên hạn và tiêu chuẩn khí thải của xe máy, thu hồi ô tô, xe máy quá niên hạn sử dụng, không bảo đảm tiêu chuẩn khí thải, quy định cụ thể số lượng ô tô, xe máy hằng năm trong từng giai đoạn, đến năm 2030 với từng khu vực, đặc biệt tập trung cho các quận nội đô.

Ông Takagi Michimasa - chuyên gia tư vấn cao cấp của Nhật Bản, nguyên Tư vấn trưởng dự án “Cải thiện giao thông công cộng Hà Nội”:
Giải pháp chung của các thành phố trên thế giới


Việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân để giải quyết các vấn đề giao thông đô thị như ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm... là giải pháp chung của các thành phố trên thế giới. Để hạn chế xe cá nhân thì hạ tầng giao thông công cộng phải cung cấp được dịch vụ thay thế. Tại Nhật Bản, các biện pháp cưỡng chế trực tiếp để hạn chế xe cá nhân không được sử dụng do có thể vi phạm Hiến pháp quy định về tự do đi lại của người dân. Vì vậy, Nhật Bản thực hiện các biện pháp đánh vào kinh tế hoặc các biện pháp có sự hợp tác của các công ty, tổ chức. Cụ thể, thu phí đỗ xe ở nội đô với mức cao; các cơ quan, doanh nghiệp đưa ra nội quy không sử dụng xe cá nhân đi làm. Các công ty hỗ trợ chi phí cho nhân viên sử dụng phương tiện công cộng và khoản hỗ trợ này không tính vào chi phí của công ty. Hay tại Singapore, Chính phủ cũng thực hiện chủ trương thu tiền khi đi vào các khu vực quy định. Các chính sách mang tính kinh tế đều nhằm mục tiêu làm người dân thấy việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng có tính kinh tế cao hơn là sử dụng phương tiện giao thông cá nhân. Hà Nội nên tham khảo các kinh nghiệm quốc tế để áp dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Bà Vũ Thanh Hà (số nhà 35, ngõ 1, tổ 1, phường Phú Lương, Hà Đông):
Không thể chậm trễ hơn nữa


Theo tôi, thành phố cần ưu tiên giải quyết những vấn đề: Hạn chế đăng ký, sản xuất và nhập khẩu xe gắn máy; mở rộng các tuyến đường, phố cấm xe máy từ nội thành ra ngoại thành; đầu tư hệ thống xe buýt đồng bộ song song với hệ thống xe điện trên cao, xe điện ngầm… Với phương tiện ô tô cá nhân cần có những giải pháp riêng, chẳng hạn: Tổ chức hạn chế hoạt động theo giờ tại một số tuyến đường, thu phí vào giờ cao điểm ở một số khu vực; nghiên cứu tổ chức khu vực hạn chế lưu thông với xe ô tô con, xe máy... Bên cạnh đó, cần song song mở rộng các tuyến đường vành đai, trục xuyên tâm… để giảm bớt áp lực giao thông nội đô, khuyến khích cấp giấy phép xây dựng cho các dự án xây dựng tại khu vực ngoại thành; di chuyển dần các cơ quan, công sở, bệnh viện, trường học ra khu vực ngoại thành…

Ông Phạm Ánh Dương (số nhà 5, ngõ 273 Đội Cấn, phường Đội Cấn, Ba Đình):
Một là toàn dân, hai là đồng bộ


Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân tuy là giải pháp khó, nhưng nếu thực hiện tốt sẽ là tiền đề vững chắc để phát triển vận tải hành khách công cộng, giảm thiểu đáng kể các vụ tai nạn giao thông. Theo tôi, trước hết cần hạn chế xe máy trên các tuyến đường đã có hệ thống xe buýt chạy qua, có các điểm gửi xe máy tại các trục đường chính dẫn vào thành phố. Tuy vậy, việc xây dựng hạ tầng giao thông công cộng phải đồng thời cùng lúc với việc cấm phương tiện giao thông cá nhân. Nếu không, người dân bỏ xe máy sẽ không biết sử dụng phương tiện nào cho phù hợp. Nói như các chuyên gia Nhật Bản, có hai nguyên tắc: "Một là toàn dân, hai là đồng bộ". Khi cả hai nguyên tắc cùng đồng nhất thì đó là một giải pháp hoàn hảo.

Nhóm PV Ban Bạn đọc