Bài cuối: "Đáp án" nào hiệu quả?

Giáo dục - Ngày đăng : 07:32, 17/06/2017

(HNM) - Yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục giai đoạn mới đòi hỏi cơ quan quản lý và chính quyền các cấp khẩn trương tìm ra

Cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học của cô trò Trường Mầm non xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai). Ảnh: Thái Hiền


Tập trung bổ sung trường theo quy hoạch

Hà Nội hiện có hơn 2.600 trường học, với hơn 1,8 triệu học sinh các cấp học. Tỷ lệ bình quân học sinh/lớp của toàn thành phố là 42, song không đồng đều. Đơn cử, cấp tiểu học có tỷ lệ bình quân 51 học sinh/lớp, cấp THCS là 40 học sinh/lớp, cấp mầm non chỉ là 34 trẻ/lớp. Cấp mầm non hiện có tỷ lệ bình quân trẻ/lớp thấp nhất trong các cấp học, nhưng giữa các địa bàn lại có sự chênh lệch đáng kể, đặc biệt tăng mạnh ở các quận, huyện có khu công nghiệp, nhà cao tầng. Trong khi quận Nam Từ Liêm có sĩ số trẻ bình quân/lớp là 65 trẻ, thì quận Hoàng Mai là 43 trẻ/lớp, huyện Gia Lâm 41 trẻ/lớp, còn tại huyện Quốc Oai là 31 trẻ/lớp…

Việc điều chỉnh địa giới hành chính tại một số địa bàn cũng khiến cho nhu cầu bổ sung trường học tăng lên. Huyện Từ Liêm sau khi tách thành hai quận có 23 phường, so với trước tăng 7 phường và hiện một số phường còn thiếu trường công lập. Tại quận Bắc Từ Liêm, phường Đức Thắng chưa có trường công lập, phường Cổ Nhuế mới chỉ có 1 trường mầm non, phường Xuân Tảo chưa có trường tiểu học, THCS; ở quận Nam Từ Liêm, phường Cầu Diễn thiếu trường mầm non và THCS, phường Mỹ Đình 2 thiếu trường mầm non.

Trước những biến động mạnh về quy mô học sinh và sự điều chỉnh địa giới hành chính, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã rà soát và đề xuất UBND thành phố bổ sung 314 trường học vào quy hoạch giai đoạn từ nay đến năm 2020 đã được duyệt. Trong đó, nhu cầu bổ sung trường học của cấp mầm non chiếm tới 50%. Nhiều địa phương đã chủ động xây dựng đề án phát triển giáo dục, trong đó tập trung vào việc cải tạo, mở rộng, xây mới trường học đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn ngay trong những năm trước mắt. Theo ông Phạm Xuân Tài, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, hiện nay các khu đô thị đều đã có quỹ đất cho việc xây dựng trường học đủ cả 3 cấp học. UBND quận đã có giải pháp như mở rộng trường mầm non, tiểu học, THCS của phường Xuân La; phân luồng tuyển sinh giữa phường Phú Thượng và các phường lân cận, xây dựng Trường Mầm non Phú Thượng 2, mở rộng Trường Tiểu học và THCS Phú Thượng…

Cũng là một quận có tốc độ đô thị hóa nhanh, trong 3 năm tới, Hà Đông sẽ xây dựng mới 29 trường học công lập, tập trung ở các địa bàn có khu đô thị như phường Dương Nội, phường Mộ Lao, phường La Khê...

Đẩy nhanh dự án chậm tiến độ

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Hữu Độ cho biết, để hỗ trợ các địa phương còn nhiều khó khăn kịp thời bảo đảm các điều kiện dạy và học, cuối năm 2016, UBND TP Hà Nội đã quyết định sử dụng ngân sách thành phố đầu tư cho 42 dự án trường học. Theo lộ trình, trong đợt 1 sẽ có 26 dự án trường học tại 13 huyện được bàn giao trong tháng 8-2017 để kịp thời đưa vào sử dụng từ năm học 2017-2018, với tổng kinh phí đầu tư gần 600 tỷ đồng. Số trường còn lại sẽ được bàn giao trong đợt 2 vào khoảng giữa năm học 2017 - 2018 và đầu năm học 2018 - 2019. Việc đưa vào sử dụng thêm 26 trường này trong năm học mới sẽ góp phần giảm tải đáng kể cho các địa phương về sĩ số học sinh/lớp, tạo đà cho các nhà trường tập trung nâng cao chất lượng dạy - học.

Để bảo đảm tiến độ đề ra, liên tiếp trong những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức kiểm tra chất lượng, đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh thi công. Theo ông Nguyễn Như Hòa, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội), qua kiểm tra cho thấy có 4 dự án đang bị chậm tiến độ, ở các huyện: Hoài Đức, Thạch Thất, Phúc Thọ.

Về vấn đề này, ông Trần Việt Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, Sở đã có văn bản đề xuất UBND thành phố chỉ đạo UBND các huyện có dự án còn chậm rà soát các hạng mục, đẩy nhanh tiến độ thi công. Riêng các dự án Trường THCS Hiệp Thuận và THCS Thọ Lộc đang gặp khó khăn về kinh phí, UBND huyện Phúc Thọ khẩn trương rà soát, tập trung nguồn lực triển khai, đồng thời chủ động bố trí ngân sách cấp huyện để đẩy nhanh tiến độ.

Hà Nội đang tích cực và quyết liệt huy động mọi nguồn lực để giải quyết bài toán quá tải trường học hiện tại cũng như trong thời gian tới, với mong muốn học sinh được học trong môi trường giáo dục tốt nhất, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực Thủ đô.

Thống Nhất