Học qua bảo tàng

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:58, 18/06/2017

(HNM) - Bảo tàng có vai trò quan trọng đặc biệt trong công tác giáo dục toàn dân. Điểm đặc biệt này được quyết định một phần bởi bảo tàng có khả năng đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin về nhiều lĩnh vực, từ lịch sử, chính trị đến văn hóa, nghệ thuật, quân sự, thiên nhiên, môi trường…


Việt Nam có đủ điều kiện để khuyến khích sự học qua bảo tàng. Những điều kiện cơ bản đó bao gồm sự hình thành, phát triển của hệ thống bảo tàng không chỉ nhiều về số lượng mà còn có sự đa dạng về loại hình, độ bao phủ rộng rãi trong phạm vi toàn quốc. Trong hệ thống đó, chúng ta cũng có một loạt bảo tàng có ý nghĩa tạo điểm nhấn, dẫn dắt hoạt động chuyên môn và thực hiện mục tiêu giáo dục một cách chuyên nghiệp, hiệu quả như Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam…

Vấn đề là các cơ quan quản lý văn hóa, giáo dục có tận dụng được ưu thế nói trên để thúc đẩy sự học qua bảo tàng hay không? Người dân, nhất là học sinh, có tìm thấy niềm vui học tập và ý thức được sự cần thiết bổ sung kiến thức, sự hiểu biết từ bảo tàng hay không? Mặt khác, cũng cần đặt ra vấn đề là các bảo tàng tại Việt Nam hiện nay đã thực hiện tốt chức năng giáo dục hay chưa?

Nếu lấy mục tiêu nâng cao hiệu quả giáo dục cho học sinh thông qua bảo tàng làm điểm tiếp cận cụ thể, có thể nói rằng chúng ta chưa đạt được hiệu quả cần thiết. Điều này thể hiện ở chỗ các trường học tại Việt Nam luôn coi bảo tàng là đối tượng quan trọng nhằm giúp học sinh bổ sung, mở rộng kiến thức đã học trong nhà trường, nhưng các chuyến tham quan bảo tàng của trẻ vẫn mang ý nghĩa giải trí nhiều hơn. Các chuyến tham quan thường không được gắn với yêu cầu thu hoạch cụ thể kèm theo kế hoạch kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn nhằm bảo đảm cho học sinh đến bảo tàng với ý thức học tập thay vì giải trí đơn thuần. Hơn nữa, sự hạn chế về phương pháp tự học, khả năng tự tìm hiểu, nghiên cứu của học sinh dẫn đến hiệu quả học tập trong những chuyến tham quan là không cao.

Sự hạn chế còn có nguyên nhân từ phía bảo tàng. Đánh giá chung cho thấy nhiều bảo tàng khá thụ động trong việc tiếp cận khách tham quan, thể hiện tâm lý “bày ra và ngồi chờ khách đến” thay vì thúc đẩy công tác quảng bá, giới thiệu và tổ chức trưng bày chuyên đề hướng tới từng nhóm đối tượng cụ thể. Mối liên hệ hợp tác của bảo tàng với nhà trường chưa được nhiều bảo tàng quan tâm.

Trong bối cảnh nói trên, để thúc đẩy sự học qua bảo tàng, cơ quan quản lý văn hóa và giáo dục cần có giải pháp khả thi nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các bảo tàng và nhà trường. Mối quan hệ đó không chỉ được thể hiện ở việc ký hợp đồng tham quan, không dừng lại ở việc đưa học sinh tới bảo tàng và phục vụ trẻ bằng những gì sẵn có, với những hiện vật, bài thuyết minh được soạn sẵn cho tất cả mọi người, mà nên có chuyên đề riêng cho học sinh, hướng đến mục tiêu làm sâu sắc hơn kiến thức mà trẻ thu nhận được từ các bài giảng trong nhà trường. Trước mỗi chuyến tham quan, trên cơ sở thảo luận với phía bảo tàng, nhà trường cần đề ra yêu cầu thu hoạch đối với giáo viên, học sinh, và kiểm tra việc thực hiện bản thu hoạch đó một cách nghiêm túc.

Dục Tú