Phải rõ trách nhiệm trong thực hiện dự án bằng tiền ngân sách

Kinh tế - Ngày đăng : 07:06, 18/06/2017

(HNM) - Tuần làm việc thứ tư, kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV đã diễn ra phiên chất vấn, trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ. Nội dung được nhiều đại biểu và cử tri quan tâm tại các buổi chất vấn là trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc thực hiện các dự án quan trọng quốc gia và xử lý các dự án thua lỗ.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) đặt câu hỏi chất vấn thành viên Chính phủ. Ảnh: Nhật Nam


Làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) cho rằng, trong báo cáo của Bộ trưởng về trách nhiệm của bộ, ngành và địa phương đối với việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia chủ yếu là trích dẫn các văn bản quy phạm pháp luật. Vấn đề các đại biểu đặt ra là trách nhiệm của bộ, ngành và địa phương về vấn đề này thế nào lại chưa được đề cập. Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư, hiện nay chỉ có khái niệm các dự án "quan trọng quốc gia" chứ không có dự án "trọng điểm quốc gia".

Để xác định được trách nhiệm các bộ, ngành trong các dự án này thì cần nêu lại các quy định của pháp luật. Đối với các dự án quan trọng quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 3 nhiệm vụ là làm chức năng Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước, thứ hai là thực hiện công tác giám sát, thứ ba là thực hiện công tác huy động và tham mưu phân bổ vốn đầu tư cho thực hiện các dự án sử dụng ngân sách nhà nước. Trong giai đoạn 2011-2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định một dự án quan trọng quốc gia là Dự án Sân bay Long Thành và đã báo cáo Quốc hội khóa XIII. Vừa qua, Bộ đã tổ chức thẩm định dự án đường cao tốc Bắc - Nam để trình Quốc hội.

Chưa hài lòng với phần trả lời, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy tranh luận: “Bộ trưởng trả lời, tôi cho rằng chưa đạt yêu cầu, bởi lẽ trong báo cáo Bộ trưởng gửi cho đại biểu phần thì trích dẫn các văn bản quy phạm pháp luật, phần thì viện dẫn các văn bản pháp luật, thậm chí viện dẫn không đúng. Ví dụ như Bộ trưởng vừa nói là Dự án đường cao tốc Bắc - Nam. Ngày 30-5-2017 Chính phủ mới có Tờ trình để trình Quốc hội, Quốc hội chưa thông qua thì không thể gọi đó là trách nhiệm trong việc thực hiện dự án”. Trả lời các phần tranh luận của đại biểu, Bộ trưởng cho biết sẽ xem xét lại tính pháp lý của một số văn bản hoặc xem xét để rà soát và kiến nghị chỉnh sửa nghị định, hoặc sẽ có ý kiến giải trình cụ thể sau…

Liên quan tới trả lời chất vấn về việc bố trí vốn dàn trải 80 nghìn tỷ đồng, giải ngân vốn đầu tư chậm, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Đoàn Phú Thọ) cho rằng, Bộ trưởng đổ lỗi cho Luật Đầu tư công là chưa hoàn toàn thuyết phục. Đại biểu đặt câu hỏi liệu nguyên nhân có phải do vẫn tồn tại cơ chế “xin - cho” và Bộ đã can thiệp quá sâu vào quá trình phân bổ nên gây ách tắc cho đầu tư? Về điều này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong 80 nghìn tỷ đồng chưa phân bổ có 70 nghìn tỷ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia như 10 nghìn tỷ đồng chống ngập của TP Hồ Chí Minh và 5 nghìn tỷ đồng cho Dự án Sân bay Long Thành…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các dự án trọng điểm của quốc gia đều là những dự án lớn, có sự đóng góp đáng kể vào tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế. Cho nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành liên quan tại thời điểm này vừa tìm cách xử lý, tháo gỡ khó khăn, vừa xây dựng giải pháp để các dự án sớm triển khai đi vào hoạt động hiệu quả.

Xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ

Cũng tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã thay mặt Thủ tướng Chính phủ báo cáo, làm rõ thêm những vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trả lời chất vấn thuộc lĩnh vực phụ trách. Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) về việc Chính phủ đã chỉ rõ 12 dự án nghìn tỷ thất thoát, gây lãng phí, vậy còn bao nhiêu dự án như vậy và ai sẽ là người chịu trách nhiệm về các dự án này? Chính phủ có giải pháp gì về việc này? Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết: “Các dự án đó sẽ được cơ cấu, sắp xếp lại theo hướng không để thất thoát và không dùng ngân sách để trả nợ. Quan điểm của Chính phủ là giải quyết các vấn đề theo cơ chế thị trường, xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan".

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, trước mắt, Chính phủ sẽ tập trung xử lý dứt điểm 12 dự án thua lỗ, thất thoát lớn và tiếp tục rà soát đối với các dự án, doanh nghiệp khác. Đối với các dự án phục hồi được, có giải pháp đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, tăng cường quản trị doanh nghiệp, thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí để giảm lỗ và tiến tới có lãi. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước phải chịu trách nhiệm về việc hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn và xử lý dứt điểm tồn tại để nâng cao hiệu quả hoạt động; coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần tập trung chỉ đạo thực hiện. 

Thanh Hải