Dịch sốt xuất huyết diễn biến bất thường

Sức khỏe - Ngày đăng : 06:42, 19/06/2017

(HNM) - Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội đang có diễn biến phức tạp, chu kỳ dịch thay đổi bất thường. Thực tế đã xuất hiện nhiều ổ dịch với số bệnh nhân tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm 2016.

Ý thức phòng dịch chưa cao

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, kể từ cuối tháng 5 đến nay, trung bình mỗi ngày có hơn 30 ca sốt xuất huyết nhập viện. Tính đến ngày 15-6, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận khoảng 1.700 bệnh nhân (tăng 3,9 lần so với cùng kỳ năm trước), trong đó có một trường hợp tử vong (tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa). Nhiều địa bàn ghi nhận số ca mắc cao hơn nhiều so với năm ngoái, như Đống Đa (gần 500 ca, tăng 8,8 lần so với cùng kỳ năm 2016), Hoàng Mai (gần 400 ca, tăng 6,4 lần); các quận, huyện như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín... có số ca mắc sốt xuất huyết tăng từ 3 đến 5 lần so với cùng kỳ năm 2016.

Chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Ảnh: Thái Hiền


Từ đầu năm đến nay, ngành Y tế Hà Nội đã tổ chức giám sát tình hình muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại gần 2.000 điểm, gồm những ổ dịch cũ, ổ dịch mới, nơi có điều kiện vệ sinh môi trường kém. Kết quả giám sát cho thấy, ở 20/30 quận, huyện, thị xã đã có trung gian (vectơ) chính truyền bệnh sốt xuất huyết là muỗi Aedes Aegypti. 23,5% trong số điểm được giám sát có chỉ số vectơ cao, tập trung chủ yếu tại các quận, huyện như Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông, Hoài Đức, Hai Bà Trưng, Thanh Trì, Thường Tín…

Theo đánh giá của ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, hiện vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất vẫn là diệt muỗi, diệt bọ gậy và chống muỗi đốt. Cùng với nguyên nhân khách quan là thời tiết mùa hè khiến bệnh lan rộng, diễn biến bất thường, còn có yếu tố chủ quan là chính quyền địa phương ở nhiều nơi chưa coi trọng công tác phòng, chống dịch và ý thức phòng dịch của người dân chưa cao.

“Khi cán bộ y tế thực hiện phun hóa chất diệt muỗi, một số hộ gia đình không hợp tác, thậm chí có những lời nói, hành động cản trở. Tại một khu vực ở quận Thanh Xuân, nơi có số ca mắc sốt xuất huyết cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016, vậy nhưng cơ quan y tế không thể phun được hóa chất diệt muỗi cho 20% số hộ gia đình, trong đó có 5% hộ gia đình không hợp tác, 15% không có người ở nhà”, ông Nguyễn Nhật Cảm dẫn chứng.

Tương tự, tại huyện Thường Tín số ca mắc sốt xuất huyết nhiều hơn 4,5 lần so với năm trước. Bà Lê Thị Liễu, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của huyện cho biết, nhận thức của người dân trong chính khu vực ổ dịch còn nhiều hạn chế. Thậm chí, nhiều người không rõ nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng dịch bệnh sốt xuất huyết nên không quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường. Điển hình như xã Tiền Phong - nơi có số ca mắc cao nhất huyện, người dân có nghề làm chăn, ga, gối, đệm nên có thói quen tích trữ nước trong những bể chứa rộng. Thêm vào đó là tình trạng ô nhiễm môi trường do lượng rác thải, phế liệu ở làng nghề khá lớn. Thế nhưng, vào mỗi đợt chính quyền địa phương triển khai việc phun hóa chất diệt muỗi, người dân thường thiếu ý thức phối hợp.

“Vi rút sốt xuất huyết đã lưu hành nhiều týp nên nhiều bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể bị mắc lại. Sốt xuất huyết có những triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh sốt vi rút nên nhiều người thường chủ quan, dẫn tới tình trạng bệnh nặng. Bệnh nếu bị biến chứng dễ dẫn đến xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa, đe dọa tới tính mạng. Người dân khi nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, tuyệt đối không tự ý truyền dịch, điều trị tại nhà”.

Ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội


Cần biện pháp mạnh

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, để công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết đạt hiệu quả, cần có sự tham gia của cả cộng đồng.

Dù các cấp chính quyền vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhưng chỉ cần có 10% số hộ gia đình không hợp tác, không chủ động diệt muỗi, bọ gậy thì dịch bệnh vẫn ẩn chứa và có thể bùng phát. Tại các hộ gia đình không tham gia phun hóa chất, muỗi sẽ tiếp tục sinh đẻ và tràn sang những hộ gia đình xung quanh…

“Hiệu lực diệt muỗi của việc phun hóa chất lên tới hơn 90%. Hằng năm, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đều đánh giá hóa chất được phun với độ nhạy của muỗi và độ an toàn với con người, do đó người dân có thể yên tâm. Bên cạnh việc vận động các gia đình hợp tác, chính quyền địa phương cần nhắc nhở, đưa ra biện pháp xử phạt hành chính đối với những hộ gia đình không hợp tác phòng chống dịch”, ông Nguyễn Nhật Cảm đề xuất.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết thêm, với những nơi được xác định là trọng điểm của dịch sốt xuất huyết, chính quyền cần tổ chức họp với dân để thông báo tình hình dịch bệnh, khuyến cáo cách phòng, chống dịch bệnh cho gia đình và cộng đồng. Ngoài ra, cần thông tin thường xuyên về dịch bệnh qua hệ thống loa truyền thanh, phát tờ rơi… Đồng thời, lực lượng y tế tập trung giám sát bệnh nhân, giám sát chỉ số muỗi, bọ gậy, tìm ra ổ bọ gậy nguồn để xử lý triệt để. Quan trọng nhất vẫn là phun hóa chất, cần bảo đảm tỷ lệ phun ở mức cao để công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả.

Thu Trang