Ba Vì hướng tới phát triển bền vững

Đời sống - Ngày đăng : 06:50, 19/06/2017

(HNM) - Trong những năm qua, huyện Ba Vì đặc biệt quan tâm tới thực hiện chế độ chính sách cho người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, chương trình đào tạo nghề, trợ giúp hộ nghèo, các hộ dân tộc thiểu số...


Tập trung đào tạo nghề, hỗ trợ giảm nghèo

Trong những năm qua, huyện quan tâm xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch cụ thể cho từng năm. Việc rà soát hộ nghèo hàng năm là căn cứ triển khai chế độ chính sách cho hộ nghèo, đánh giá kết quả giảm nghèo. Đầu năm 2016, toàn huyện có 7.926 hộ nghèo (chiếm 11,41% tổng hộ dân), 3.627 hộ cận nghèo (chiếm 5,22% tổng hộ dân). Cuối năm 2016, huyện giảm 2818 hộ, còn 5.108 hộ nghèo (còn 7,18%).

Thực hiện tốt dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, giảm nghèo góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho người lao động. 5 năm qua (2011- 2016), huyện đã triển khai 587 lớp sơ cấp nghề cho 20.191 người, đạt 124,3% kế hoạch. Đến cuối năm 2016, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 43%. Bình quân mỗi năm huyện giải quyết việc làm mới cho 3.650 lao động, xuất khẩu lao động 1.552 người đạt 107,7% kế hoạch, góp phần không nhỏ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập.

Quan tâm đối tượng chính sách, người có công

Trong 5 năm qua, huyện thực hiện tốt, đảm bảo đầy đủ, đúng chế độ, chính sách cho gia đình người có công. Phối hợp với Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công tổ chức cho 799 người có công đi điều dưỡng. Có 1.272 người có công và thân nhân nhận chế độ điều dưỡng tại nhà. 100% người có công, thân nhân đến niên hạn điều dưỡng đều được nhận đủ chế độ chính sách.

Dịp Tết Nguyên đán, kỷ niệm ngày lễ lớn, huyện tổ chức tốt công tác thăm, tặng quà cho người có công, gia đình có công với cách mạng với số tiền gần 9,2 tỷ đồng. Thực hiện Kế hoạch của UBND thành phố, năm 2017 huyện hỗ trợ cho 292 đối tượng người có công xây dựng và sửa chữa nhà ở (163 xây mới, 129 sửa chữa) với số tiền 15,925 tỷ đồng. Có 21 Mẹ Việt Nam Anh hùng được các đơn vị nhận phụng dưỡng thường xuyên mức 700.000 đồng/mẹ đến 1.000.000 đồng/người.

Hướng tới Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2017), lãnh đạo huyện quan tâm chỉ đạo, thực hiện tốt chế độ, chính sách với người có công, phát động thi đua phong trào Đền ơn đáp nghĩa, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm sóc, thăm hỏi đối tượng người có công, tặng 75 sổ tiết kiệm cho đối tượng người có công có hoàn cảnh khó khăn. Chăm sóc, tu bổ, sửa chữa các Nghĩa trang liệt sĩ.

Có thể nói, nhờ sự chỉ đạo của lãnh đạo huyện, sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả của cơ quan chuyên môn, ban, ngành, đoàn thể huyện, các xã, thị trấn trong thực hiện chính sách giảm nghèo, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, hỗ trợ người có công, đối tượng bảo trợ xã hội nên công tác an sinh xã hội đảm bảo, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao. Mục tiêu hướng tới phát triển bền vững của Ba Vì đã và đang trở thành hiện thực, tạo diện mạo mới mang đậm bản sắc dân tộc Thủ đô Hà Nội.

“Những năm qua các xã, thị trấn trên địa bàn huyện bám sát các tiêu chí, rà soát khách quan đúng quy trình, quy định, không bỏ sót hộ nghèo; triển khai thực hiện tốt chính sách, giải pháp giảm nghèo, khảo sát mở các lớp học nghề phù hợp với nhu cầu của người lao động, tổ chức thực hiện tốt chương trình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động, đạt hiệu quả cao”.
Ông Đỗ Mạnh Hưng (Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì)

“Được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo huyện, từ năm 2011, chúng tôi thực hiện tốt chế độ chính sách với người có công, vận động được 5,2 tỷ đồng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền các xã, thị trấn, các đơn vị, doanh nghiệp tích cực hỗ trợ nâng cao đời sống cho người có công. Từ năm 2012 đến năm 2016, xây mới, sửa chữa 105 nhà. Đến nay, 100% gia đình người có công, thân nhân liệt sỹ không thuộc diện hộ nghèo”.
Ông Đỗ Quang Trung (Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Ba Vì)

Hoài Linh